Nhà thơ Hồng Nguyên: Còn chút gì để nhớ?

Nhà thơ Hồng Nguyên (thứ hai bìa phải) và bà Thủy (thứ hai bìa trái).
Nhà thơ Hồng Nguyên (thứ hai bìa phải) và bà Thủy (thứ hai bìa trái).

Sau Cách mạng mùa Thu 1945, thơ ca không còn là vương quốc "độc quyền" của các tác giả chuyên nghiệp. Từ anh cán bộ chính trị, anh bình dân học vụ đến chị em phụ nữ, thiếu nhi... hết thảy đều rôm rả làm văn vần. Trên cái nền quần chúng rộng và sâu ấy, đã nảy nở những hồn thơ từng một thời ghi dấu ấn như: Hồng Nguyên (Nhớ), Hoàng Lộc (Viếng bạn), Thôi Hữu (Mùa cốm mới), Thâm Tâm (Chiều mưa đường số 5) Trần Mai Ninh (Nhớ máu, Tình sông núi )...

Thế rồi hơn nửa thể kỷ trôi qua. Trong khi nhiều cây "đại thụ" đã liên tục được in tuyển tập, được phát hiện và công bố những bản thảo tưởng chừng thất lạc, thì những cái tên Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh... vẫn chỉ được "điểm mặt" trên những cuốn sách giáo khoa với dăm ba dòng ngắn gọn, thậm chí lại hoàn toàn "vênh" nhau về tiểu sử và sự nghiệp của cùng một tác giả.

Mà trường hợp nhà thơ Hồng Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Văn Vượng) là một thí dụ.

Tam sao thất bản " hay là sự" lù mờ" của sách vở?

Theo tác giả Thái Doãn Hiếu (Giai thoại văn học Việt Nam, NXB KHXH, 1996), Hồng Nguyên sinh năm 1920 tại ngoại vi TP Thanh Hóa, mất năm 1951. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá (Từ điển văn học , tập 1, năm 1983) khẳng định: nhà thơ sinh tháng 8-1924, mất tháng 2-1954.

Trong khi đó, nhóm biên soạn Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992) thì cho rằng thi sinh năm 1924, mất năm 1951. Thậm chí, có tài liệu còn ghi Hồng Nguyên là... chiến sĩ đã hy sinh anh dũng (mà sự thật thì nhà thơ chưa từng ra trận!).

Về thân thế nhà thơ, mỗi tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đều ghi một phách! Có sách ghi "bố mất khi anh (nhà thơ Hồng Nguyên - PV) còn bé, sau đó mẹ cũng bỏ đi nốt. Hồng Nguyên sống với bà chị gái tên là Sự và cô cháu gái gọi anh bằng chú ruột tên Trình. Gia đình làm nghề gốm, sống cảnh đạm bạc ".

Có sách lại nói: nhà thơ từng là Tổng biên tập báo Dân mới - cơ quan Việt Minh của 4 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình!

Nhớ - bài thơ từng đoạt giải nhất Văn nghệ Lam Sơn, với bút pháp lãng mạn tài hoa, cũng lại có nhiều "giai thoại" khác nhau...

Theo cuốn Giai thoại nhà văn Việt Nam, Nhớ được viết vào năm 1946 nhưng mãi tới năm 1948 - họp ban Văn nghệ Lam Sơn, Chi Hội Văn nghệ Liên khu IV mới trao giải Nhất (cùng tác phẩm văn xuôi Bên đường 12 của Vũ Tú Nam).

Trái lại, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân (ĐH Quốc gia Hà Nội) "phán" Nhớ được khai sinh năm 1948, khi Hồng Nguyên đang là học viên khóa 11 lớp huấn luyện Văn nghệ Liên khu IV, đến tháng 3-1950 bài thơ được trình bày trong cuộc họp ban Văn nghệ Lam Sơn và mới được trao giải Nhất...

Ngoài những thông tin ngắn gọn về năm sinh, năm mất (mà chưa hẳn đã chính xác) và sự nghiệp sáng tác chỉ vỏn vẹn một bài (mà hoàn cảnh sáng tác cũng quá đỗi tù mù), thì suốt hơn nửa thế kỷ nay, độc giả không hề có thông tin nào khác...

Đâu là sự thật?

... Rất may, tôi đã gặp được bà Nguyễn Thị Bích Thủy, bạn thân của nhà thơ - nhân chứng hiếm hoi đã đi suốt cơn dâu bể thời cuộc. Bà Thủy từng là cán bộ biên tập NXB Phụ nữ, hiện sống tại Hà Nội. Tuổi cao nhưng trí nhớ còn rất minh mẫn.

Bà xác nhận: Nhà thơ Hồng Nguyên sinh năm 1922. Bài Nhớ được giải thưởng Văn nghệ Lam Sơn năm 1948! Chàng thi sĩ Hồng Nguyên, theo lời kể của bà Thủy, là một thanh niên có đôi mắt đen sâu thẳm, miệng cười ý nhị và dáng điệu nghiêm trang.

Và sự thực thì Hồng Nguyên mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng mẹ chứ không phải mẹ bỏ đi như có tài liệu đã viết. Gia đình thi sĩ xưa kia có lẽ từng thuộc diện giàu có, cha là trưởng tộc nên được ở trong một ngôi nhà thờ họ rất to đẹp. Riêng Hồng Nguyên thì trên căn gác xép sát cạnh nhà thờ, thấp bé, không có bàn ghế, chỉ trải cái chiếu đôi vừa để nằm vừa để ngồi. Hồi ấy, do vị trí trên văn đàn và năng lực công tác nên Hồng Nguyên cũng được khá nhiều cô gái xinh đẹp, giàu có đến làm thân.

"Tôi lấy làm lạ là trước sự săn đón vồ vập của họ, Vượng cứ thản nhiên và vẫn sống vò võ trên gian gác xép đơn sơ", bà Thủy kể.

Thế rồi sự đời chẳng ai ngờ! Làm việc quá sức, lại không có điều kiện nghỉ ngơi, Hồng Nguyên mắc bệnh lao phổi (chứ không phải là "trọng bệnh" chung chung như Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn Việt Nam!). Nhà thơ phải về Cầu Vàng an dưỡng.

"Khi tôi đến thăm, Vượng ở trong một gian buồng hẹp của một căn nhà gỗ cũ ẩm thấp giữa một mảnh vườn nhỏ, cây cối xác xơ. Vượng đang nằm trên giường một mình, thân hình tiều tụy, mặt mũi hốc hác", bà Thủy nhớ lại.

Ông đau khổ vì bị tách biệt khỏi môi trường xã hội chung quanh, và nhất là môi trường văn hóa - văn nghệ sôi động bên bờ Nam sông Chu. Đến một ngày giữa năm 1951, nhà thơ đã chết lặng lẽ và cô độc tại một căn nhà cách ly... Thi hài ông được chôn cất bên bờ sông Cầu Vàng. Nhưng rồi ngay những người thân cũng không tài nào nhớ đích xác ngôi mộ ấy nằm ở đâu qua bao lần nước sông trồi sụt. Và vì ngày ấy đang là chiến tranh ác liệt nên người ta cũng không dám ghi tên tuổi lên mộ chí...

Của riêng côn một chút này...

Vài tháng sau khi Hồng Nguyên mất, một người bạn - họa sĩ Đức Vượng - tìm đến nhà, còn sót những gì thuộc về đời văn của người bạn quá cố, anh thu vén vào một chiếc rương nhỏ, tự nhận trách nhiệm bảo quản.

Thế nhưng từ đó đến nay, số di cảo trong cái rương đó vẫn không thấy xuất hiện. Là vì trong cải cách ruộng đất, gia đình Đức Vượng bị quy địa chủ, số di cảo kia cũng theo biến cố xã hội mà tiêu tán. Mới đây, ông Sanh - anh em chú bác với Hồng Nguyên - còn giữ được vài bài. Tuy nhiên, đó là những bài sáng tác trước Cách mạng, lãng mạn, sáo mòn và không mấy giá trị.

Thường khi làm thơ xong, Hồng Nguyên đưa cho bà Thủy đọc góp ý. Hiện bà còn giữ lại bài Chị cán bộ. Có điều, đây không phải tác phẩm xuất sắc - với những câu nôm na như: Chị là cán bộ chuyên môn/ Bận đi công tác nhiều hôm không về/ Thân quen từ nẻo đường quê ...

Bà Thủy nhớ rằng bên các câu thơ ngắn phảng phất mùi "tiểu tư sản" Hồng Nguyên còn một truyện thơ lục bát vừa có phong vị cổ điển vừa đậm hơi thở của thơ Mới, kể chuyện một thi sĩ mơ ước được trọn duyên nợ với Nàng thơ, song cuộc đời cay cực, buộc họ phải lỗi hẹn hò.

Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa Nàng thơ và thi sĩ:

Thi sĩ: ... Lụa tơ em rũ bên ghềnh!
Bắc cầu non nước ta mình cùng sang
Có em sông núi vững vàng,
Vắng em sông núi bẽ bàng em ơi!
Nàng thơ: Thề xưa đã dở dang rồi,
Nhắc làm chi nữa những lời ái ân?
Dọc đường bao vạn mùa Xuân
Yêu nhau đã dễ mấy lần gặp nhau?
(...)

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của nhà thơ cho lịch sử văn học dân tộc có lẽ vẫn là những vần thơ đầy tinh thần xả thân, hào hùng và kiêu bạc:

... Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ,
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

(Nhớ)

Hiện bà Thủy cũng giữ lại được tấm ảnh duy nhất chụp chung với nhà thơ vào năm 1950 nhân một chuyến đi chơi. Hồi đó, vì giữ ý nên bà đã rủ cậu em và ba cháu cùng đi...