Mỗi bộ phim là một dấu ấn

Mỗi tác phẩm của Phan Hoàng đều để lại dấu ấn riêng. Phim "Cu Tý và cô giáo Mai" (TFS-1995, đoạt Huy chương vàng LHP truyền hình toàn quốc năm 1996), khắc họa thành công hình ảnh cô giáo Mai trẻ trung, tận tụy với nghề, trong một phút nóng giận đã phạm sai lầm không đáng có, để rồi phải chấp nhận rời khỏi ngôi trường với những đứa trẻ đang cần cô dạy dỗ, uốn nắn. Sự trừng phạt ấy dành cho một cô giáo tận tụy có quá khắt khe? Bộ phim gây xúc động khán giả bởi cốt truyện bình dị và chân thật, với thông điệp: Yêu thương con cái không chỉ là lo đầy đủ vật chất. Trong "Tài tử nghiệp dư" (TFS-2002, đoạt Huy chương bạc LHP truyền hình toàn quốc năm 2003), anh đã thuyết phục được người xem khi mạnh dạn thử nghiệm cách làm phim mới, "phim trong phim". Ðiểm nhấn của cách thử nghiệm này là việc xây dựng xuất sắc nhân vật Ba Sa (diễn viên Công Ninh đóng): Giằng co giữa thực - ảo, giữa những suy nghĩ và hai cá tính hoàn toàn trái ngược nhau. Ðiểm mới trong thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn Phan Hoàng là biết "cột" và "mở" những nút thắt trong thể hiện tính cách nhân vật, giúp diễn viên bộc lộ hết khả năng diễn xuất.

Những ai từng tiếp xúc và làm việc với Phan Hoàng đều có chung nhận xét: Anh kỹ tính và cầu toàn trong công việc. Ðối với anh, một khi bắt tay làm phim thì phải làm thật tốt, bằng cả niềm đam mê, để khi tác phẩm hoàn thành, anh sẽ không phải hối tiếc. Anh tâm niệm, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần, chúng được ôm ấp từ những trăn trở, nỗi niềm lẫn hoài bão. Khi bắt tay vào làm dù một tập hay một bộ phim, anh đều dồn hết tâm trí đặt vào đấy sự kỳ vọng và lòng tin. Phải chăng, chính vì tính cách ấy mà trong thời gian bộ phim "Giao thời" được chiếu lần đầu tiên trên HTV7, rất nhiều lời phê bình từ các bài báo, các nhà phê bình phim, anh vẫn im lặng và giữ vững niềm tin, trong khi căn bệnh nan y hành hạ anh từng ngày. Có thấy anh đứng vững qua bao nhiêu sóng gió mới hiểu được vì sao "Giao thời" thành công ngoài sức mong đợi. Bốn năm sau, bộ phim đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo khán giả xem đài khi được VTV1 chiếu trên toàn quốc. Bởi, trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, khi tiền bạc và lợi nhuận luôn khiến cho người ta khó làm chủ được bản thân thì việc miêu tả xác thực về cuộc sống và đạo đức của con người trong buổi giao thời chắc chỉ có mỗi anh dám làm. Sau đó, bộ phim tiếp tục được chiếu trên VTC2, VTC6, chưa kể các đài địa phương, ít nhất cũng đã chiếu một lần. Sau "Giao thời" và "Mầm sống", Phan Hoàng xuất hiện với một vai trò khác: Giám đốc hãng phim, chuyên sản xuất phim và các chương trình truyền hình. Chỉ trong vòng hai năm kể từ ngày thành lập, Hãng phim Cửu Long nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả xem đài qua các chương trình truyền hình: Sống, Ra khơi, Thời sự nông nghiệp... thành công trong việc phản ánh kịp thời các vấn đề bức xúc của nông dân và đời sống nông thôn hiện nay.

Sau thành công với vai trò giám đốc hãng phim, anh lại trở về với niềm đam mê phim ảnh. Bộ phim "Khát vọng đồng quê" (tác giả: Minh Viên, đạo diễn Phan Hoàng) được trình chiếu trên kênh VTC7, đánh dấu sự trở lại của anh trong giới điện ảnh Việt Nam. Vẫn chọn cho mình cách làm phim miêu tả tính xác thực của đời sống con người trong xã hội, nhưng lần này, anh đặc biệt bứt phá khỏi lối mòn. Không chọn cách xây dựng nhân vật theo mẫu hình thiện-ác cực đoan, anh chủ trương xây dựng cốt chuyện phim theo phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, nhưng vẫn thể hiện trọn vẹn nội dung câu chuyện. Bộ phim xoay quanh những người con vùng Ðất Mũi. Mỗi nhân vật thể hiện một số phận, cuộc đời, tính cách hoàn toàn khác nhau: Hai Nhơn phóng khoáng, coi thường danh vọng và tiền bạc, đam mê nghệ thuật nhưng lại cố chấp; Năm Tri trọng tình nghĩa, trong tình thế cấp bách lại chọn cho mình vẻ ngoài trái ngược; Hai Thức bản lĩnh và tài năng, quyết đoán trong công việc; Ba Hậu phóng khoáng, rạch ròi giữa yêu và hận; Tư Tâm đằm thắm, dịu dàng trong tình yêu, khi gia đình đứng bên bờ vực, liệu có đủ nghị lực cùng chồng vượt qua nghịch cảnh; Kiều Mai dám nghĩ dám làm, sẽ bảo vệ tình yêu của mình ra sao?... Tất cả đã tạo nên một sinh khí mới cho bộ phim, mặc dù lần này anh đã mạnh dạn giao các vai chính cho nhóm diễn viên trẻ đảm nhiệm.

Nổi tiếng là người "mát tay", trong ngần ấy năm qua, các tác phẩm của đạo diễn Phan Hoàng cũng góp phần đưa tên tuổi các ngôi sao trong làng điện ảnh Việt Nam đến gần với khán giả hơn: Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, Huyền Linh trong "Giao thời"; Hiền Mai trong "Cu Tý và cô giáo Mai"; Bích Hằng trong "Tài tử nghiệp dư"; Nguyệt Ánh, Ngân Khánh trong "Mầm sống"... Người xem hy vọng sẽ còn được thưởng thức nhiều tác phẩm xuất sắc của anh.