Việc nhận thức, hiểu biết không đầy đủ về chứng sa sút trí tuệ trong xã hội có thể gây ra sự kỳ thị, tạo các rào cản, làm giảm cơ hội được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc cho người mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cho biết: Hiện nay, bệnh sa sút trí tuệ và suy giảm trí nhớ đã được quan tâm nhiều hơn.
Bình thường bệnh này được phát hiện ở 65 tuổi trở lên, nhưng hiện nay bệnh nhân mắc bệnh chỉ khoảng 55 tuổi hoặc trẻ hơn nữa. Thầy thuốc ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Người lớn tuổi nói chung đều phải đương đầu với suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ. Đây là một quá trình vừa là sinh lý, vừa là bệnh lý; đó là quá trình lão hóa của người lớn tuổi, lão hóa tất cả các cơ quan.
Song song với quá trình suy giảm đó, khi mà cơ thể người cao tuổi suy giảm, các chức năng cơ thể suy yếu dễ dẫn đến quá trình bệnh tật như: Thoái hóa, đột quỵ, Alzheimer, thiểu năng tuần hoàn não... Tuy nhiên, hiện nay có đến 75% người bệnh không được chẩn đoán, quản lý kịp thời. Việc chẩn đoán, điều trị sớm sẽ giúp ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc. “Chúng ta phải thay đổi tư tưởng, nhiều người quan niệm rằng sa sút trí tuệ là điều bình thường.
Tại sao trong một nhóm người lớn tuổi, có người minh mẫn, nhưng nhiều người lại không nhớ phải phụ thuộc vào con cái chăm sóc. Rõ ràng đó là bệnh lý, chính vì vậy người bệnh cần được đưa đi thăm khám, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế”. Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam chia sẻ.
Hiện nay, hầu như tại tất cả các bệnh viện đều có khoa nội thần kinh và có đơn vị khám, điều trị, chăm sóc cho những người suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ cũng như các bệnh lý về Alzheimer. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ làm suy giảm trí nhớ cũng như là các bệnh lý làm sa sút trí tuệ sẽ có khả năng điều trị và có khả năng phục hồi hoặc là làm chậm lại quá trình suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, khi được xác định sa sút trí tuệ hay suy giảm nhận thức, việc điều trị sẽ được thực hiện trên ba khía cạnh. Đầu tiên là sử dụng thuốc. Nếu có các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, rối loạn giấc ngủ,… thì cần tiếp tục duy trì thuốc ổn định các tình trạng này. Khía cạnh thứ hai, dinh dưỡng và lối sống.
Chế độ ăn DASH hay Địa Trung Hải là hai chế độ ăn có thể hữu ích với phương châm nhiều rau xanh, trái cây, hạt; hạn chế các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo,…), ít nhất ba khẩu phần cá mỗi tuần, nên sử dụng dầu oliu; có thể dùng một lượng nhỏ rượu và hạn chế muối trong các khẩu phần ăn. Dinh dưỡng cho người bệnh sa sút trí tuệ cũng như việc chăm sóc người bệnh cần sự kiên nhẫn, đồng cảm và quan trọng cần sự hiểu biết chính xác để có thể mang lại chất lượng cuộc sống cao nhất cho người bệnh. Người bệnh cần khuyến khích tập luyện thể dục, thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày, bảo đảm chất lượng giấc ngủ cũng như loại bỏ dần các thói quen có hại như hút thuốc lá, lối sống thụ động, nghiện bia, rượu…
Cuối cùng, tập luyện não bộ cũng rất quan trọng. Người bệnh suy giảm nhận thức hay sa sút trí tuệ cần được động viên đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, đọc sách, báo, xem ti-vi, tham gia các hoạt động hội nhóm theo sở thích. Hiện nay, có khá nhiều ứng dụng tập luyện nhận thức có thể dễ dàng truy cập và sử dụng trên điện thoại, cũng như các công cụ giúp kích thích nhận thức sử dụng thiết bị kích thích từ trường xuyên sọ. Phối hợp những biện pháp trên sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất có thể cho người bệnh suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Trình độ dân trí ngày càng tăng lên, người dân được hiểu biết về vấn đề suy giảm trí nhớ đã được cải thiện rõ nét hơn. Tuy tỷ lệ bệnh nhân thăm khám suy giảm trí nhớ có chuyển biến nhưng chưa nhiều so với thực trạng của bệnh hiện nay. Để cải thiện tình trạng này, cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề truyền thông, thông tin y học, cho người dân. Đồng thời, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia chuyên về khám, phát hiện bệnh lý suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ để giúp người già thật sự có quá trình “lão hóa” minh mẫn.