Theo số liệu của Công an Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, thành phố có 201 bãi tập kết (trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí). Như vậy số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố, trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).
Việc khai thác cát bừa bãi đang tác động xấu tới môi trường, gây sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều. Nhiều bãi chứa, trung chuyển tập kết lượng cát lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê, kè, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Một số chủ bến bãi còn tập kết, kinh doanh cát đen không rõ nguồn gốc, trung chuyển vật liệu xây dựng bằng ô-tô có tải trọng lớn đi trên đê, làm hư hỏng mặt đê; quá trình vận chuyển làm rơi vãi cát, sỏi, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận.
Tại cuộc tái giám sát mới đây của Hội đồng nhân dân thành phố về vấn đề này, một số quận, huyện đều nhận định còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn; lực lượng yếu, mỏng, phương tiện ít, trong khi các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi và thường vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý…
Qua trao đổi, đoàn giám sát cho rằng, các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc quyết liệt và còn có tư tưởng “khoán trắng” nội dung này cho ngành công an. Ngay như Sở Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này, nhưng báo cáo chưa nêu cụ thể và rõ về các nội dung liên quan.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi), trong đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tham mưu cho thành phố, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá đối với các bến bãi hoạt động kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng... tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố; kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ theo nhiệm vụ của đơn vị.
Lãnh đạo thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải đường thủy có biểu hiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép; không để xảy ra các “điểm nóng” về hoạt động khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi); đồng thời làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, người đứng đầu, tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý mà không xử lý.