Chấn chỉnh trong dạy và học ở huyện miền núi Hướng Hóa

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) phản ánh về tình trạng bất cập trong công tác quản lý giảng dạy, chất lượng giáo dục tại hai trường tiểu học A Túc và tiểu học và THCS A Dơi, nơi có đông học sinh là người Vân Kiều Pa Cô. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị đã thành lập đoàn kiểm tra để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, không để xảy ra tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp".

Học sinh huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đến trường.
Học sinh huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đến trường.

Học sinh không đọc được vẫn lên lớp

Qua trao đổi ý kiến và làm việc trực tiếp với ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh hai trường học nêu trên và kiểm tra tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị xác nhận, tại Trường Tiểu học A Túc, có ba học sinh là Hồ Văn Thùy (lớp 4), Hồ Văn Thế và Hồ Văn Quyền (lớp 5) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Trong đó, Hồ Văn Thế và Hồ Văn Thùy là hai anh em ruột (con anh Hồ Văn Ðức). Theo các giáo viên chủ nhiệm, thì hai học sinh này không bình thường như những học sinh khác; đến lớp không tập trung chú ý nghe giảng bài, hay ngủ gật trong lớp, hay quậy phá không cho các bạn khác học nhưng gia đình muốn cho con đi học để tránh việc con em họ đi lang thang, dễ sinh bệnh tật, tệ nạn xã hội... Còn theo anh Hồ Văn Ðức, nhà có nhiều anh em nhưng hai cháu Thế và Thùy có nhiều hiện tượng khác thường, hằng ngày vẫn đi học, ở lại ăn trưa tại trường, về nhà được anh ruột bày vẽ đọc, viết chữ nhưng hai em vẫn không học được. Hiệu trưởng Trường tiểu học A Túc Bùi Công Minh cho biết, hai em Thế và Thùy thuộc diện khuyết tật, được các cơ quan chức năng xác nhận... Phòng khám khu vực vùng Lìa và Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận ba học sinh trên khuyết tật, các em được học hòa nhập. Mặc dù các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết của các em Thế và Thùy yếu nhưng trong hồ sơ lưu trữ của trường, giáo viên chủ nhiệm vẫn ghi là đạt yêu cầu và cho lên lớp.

Tại Trường tiểu học A Túc, còn có học sinh Hồ Xuân Luật, năm học 2013-2014 thường xuyên không đến trường nhưng cuối năm em vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị, đó là một sự nhầm lẫn từ phía giáo viên chủ nhiệm, cụ thể năm học trên, em Luật học tại trường, kết quả cuối năm học em không đạt danh hiệu tiên tiến, nhưng giáo viên chủ nhiệm Hồ Thị Danh vẫn lập tên em trong danh sách đề nghị khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến. Hiệu trưởng nhà trường thiếu kiểm tra nên đã cấp giấy khen cho em.

Tại Trường tiểu học và THCS A Dơi, em Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn (lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản, chưa bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh ở trình độ lớp 7. Qua kiểm tra trực tiếp, em Thăng viết được, đọc được nhưng còn chậm; khả năng tính toán các bài toán đơn giản còn hạn chế, một số ký hiệu toán học dạy ở lớp 6, lớp 7 em chưa hình dung được như lũy thừa, mũ, căn bậc hai... Hai em, Nhơ và Hơn cũng như Thăng khả năng đọc và tính toán còn hạn chế, chỉ có kỹ năng viết là khá hơn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, kết quả học tập của các học sinh trên hồ sơ và kết quả kiểm tra thực tế là khác nhau, giáo viên chưa đánh giá đúng thực chất về trình độ của học sinh, thiếu sự theo dõi, hướng dẫn các em trong học tập...

Khắc phục tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp"

Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị Phan Hữu Huyện cho biết: Ðể xảy ra tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" là do giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm dạy học, quản lý, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chưa tham mưu với lãnh đạo trường kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, chưa có những báo cáo kịp thời để nhà trường biết và chỉ đạo. Năng lực quản lý của hiệu trưởng các trường còn hạn chế, thiếu sâu sát và kiểm tra đôn đốc. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp quản lý chưa hiệu quả...

Từ thực trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Thu Thủy đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học tại hai trường tiểu học A Túc và tiểu học và THCS A Dơi như sau: Hai trường tổ chức họp hội đồng sư phạm nhà trường để kiểm điểm lại quá trình quản lý và dạy học. Tiến hành rà soát chất lượng học sinh trong toàn trường để có kế hoạch giảng dạy phù hợp và thực hiện một cách quyết liệt những giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm học sinh đạt đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu. Ðối với học sinh đang học yếu, nhà trường cần có ngay kế hoạch phụ đạo, hướng dẫn, dành nhiều thời gian, tăng cường rèn các kỹ năng đọc viết, tạo mọi điều kiện để học sinh được ôn tập một cách tốt nhất và đạt được kết quả. Chấn chỉnh kịp thời cách đánh giá xếp loại học sinh; thực hiện nghiêm túc Thông tư 30/2014/TT- BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, không để xảy ra tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp". Nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; cần quan tâm hơn nữa đến quá trình tổ chức dạy học và theo dõi quản lý học sinh. Nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng, chú trọng công tác kiểm tra và tự chịu trách nhiệm.

Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Trị sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đề ra và trực tiếp làm việc với hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông để bàn kế hoạch phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Trước mắt, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Hướng Hóa cử cán bộ, chuyên viên trực tiếp về hai trường rà soát lại chất lượng các trường học trên địa bàn và tổ chức đánh giá, khảo sát lại thực chất chất lượng học sinh các khối lớp để phân loại học sinh; chỉ đạo nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu; dạy học theo đối tượng phù hợp từ nay đến thời điểm đánh giá cuối năm và có kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo hè cho học sinh chưa đạt chuẩn.