Nhìn vào bảng kê các khoản thu-chi năm học 2022-2023 do ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp học cuối cấp trung học cơ sở đóng ở khu vực trung tâm thành phố lập ra khiến mọi người giật mình: Có 32 nội dung chi tiền với số tiền thu dự kiến 270 triệu đồng. Do sự phản đối mạnh từ phía cha mẹ học sinh và dư luận xã hội cho nên kế hoạch thu này lập tức bị nhà trường yêu cầu tạm ngưng thực hiện. Không chỉ xảy ra ở cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông, ngay cả ở cấp tiểu học các khoản thu-chi "trên trời" cũng được ban đại diện cha mẹ học sinh "vẽ" ra, khiến không ít cha mẹ học sinh bức xúc. Mới đây, ban đại diện cha mẹ học sinh thuộc khối lớp 1, một trường tiểu học ở quận 7 lập ra bảng tính thu-chi với mục đích thu vô tội vạ như thu tiền tổ chức sinh nhật cho bé (các bé có cùng sinh nhật trong một quý), thu tiền tổ chức lễ hội (Halloween, Giáng sinh…), tiền bồi dưỡng giáo viên.
Điểm chung của các bảng phí thu-chi năm học là lạm thu và lạm quyền, mang tính hình thức, nhiều khoản thu chỉ mang tính chất "bồi dưỡng" cho giáo viên, ban giám hiệu nhà trường mà không được xây dựng trên một cơ sở quy định nào của ngành giáo dục, không quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường đối với học sinh. Dù bất hợp lý nhưng do tâm lý đóng góp để con em mình có điều kiện học tập tốt hơn, không ít cha mẹ học sinh giơ tay biểu quyết chỉ vì cả nể hay phải miễn cưỡng gật đầu vì số đông. Song, phần nhiều cha mẹ học sinh nhận thấy, việc đóng góp vào quỹ lớp, quỹ trường do ban đại diện cha mẹ học sinh lập ra không phải là mục đích tốt đẹp mà ngành giáo dục hướng đến, đó là "trồng người", nếu duy trì việc làm này lâu dài có khi lại trở thành tiền lệ, thành một loại tệ nạn đang len lỏi vào học đường và xã hội.
Khắc phục tình trạng này, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn gửi các đơn vị giáo dục về việc chấn chỉnh công tác quản lý thu-chi đầu năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, lưu ý kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do ban đại diện quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ hoạt động trực tiếp của mình. Không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (điểm b, khoản 4 Điều 10, Thông tư 55). Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện; chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể ban đại diện thống nhất ý kiến (không bao gồm kinh phí tài trợ).
Cha mẹ học sinh cũng như cộng đồng xã hội mong rằng, không chỉ ngành giáo dục và đào tạo mà chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cũng cần kịp thời, quyết liệt hơn với tình trạng lạm thu, có hình thức chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng này. Về lâu dài, nên tạo những kênh kết nối trực tiếp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh thông qua các tương tác trực tuyến, các giải pháp công nghệ…