Chính vì vậy, trước mùa lễ hội 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 469/KH-SVHTT về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố, yêu cầu 30 quận, huyện tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, đồng thời tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Theo tinh thần này, nhiều địa phương đã xây dựng các kịch bản tổ chức các chương trình lễ hội, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống lộn xộn có thể xảy ra. Chính vì vậy, lễ khai mạc các lễ hội lớn vừa được tổ chức tại Hà Nội trong ngày mồng 5 và 6 Tết vừa qua, về cơ bản được đánh giá là khá thành công, bảo đảm không khí tôn nghiêm, vui tươi của lễ hội, duy trì an ninh trật tự. Ðiều này thể hiện khá rõ nét trong các lễ hội: Gò Ðống Ða (quận Ðống Ða), Ðền Cổ Loa (huyện Ðông Anh), Ðền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Những hiện tượng lộn xộn xảy ra ở lễ hội những năm trước đã được khắc phục. Ở hội Gióng Ðền Sóc (huyện Sóc Sơn), Ban tổ chức đã thay đổi hình thức tán lộc. Sau khi tế lễ, toàn bộ giò hoa tre không rước xuống đền Hạ, mà được đưa vào hậu cung, chia nhỏ và phát lộc vào thời điểm thích hợp. Tại lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Ðức), du khách trẩy hội cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực về công tác tổ chức. Hàng quán được bố trí gọn gàng, rác thải giảm hẳn trên suối Yến, tổ chức phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh trật tự tốt hơn. Hai bên bờ suối Yến có những đoạn được lắp đèn cao áp, bảo đảm an toàn cho khách di chuyển trong đêm...
Tuy đã có nhiều cố gắng trong đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội, nhưng vẫn còn không ít “hạt sạn” làm phiền lòng du khách. Tại Chùa Hương, tình trạng chèo kéo du khách, hàng quán bói toán ven đường, lừa bán thuốc nam vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc bày bán thịt thú rừng, thịt động vật tươi sống dù có chuyển biến, nhưng chưa khắc phục dứt điểm. Các chủ kinh doanh thay vì treo động vật trên móc ở cửa quán ăn thì giờ đặt trên khay ở quầy bán hàng. Tình trạng du khách hành hương đặt tiền lẻ sai vị trí quy định, gài, dắt vào tay tượng phật, đốt quá nhiều vàng mã... còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý lập các điểm trông giữ phương tiện trái phép, thu tiền quá giá quy định quanh các di tích, điểm tổ chức lễ hội hầu như chưa giảm. Chỉ trong tuần đầu năm Kỷ Hợi, Ðội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện và xử phạt hành chính 16 bãi trông giữ xe vi phạm (chủ yếu là bãi xe gần các di tích, địa điểm tâm linh), xử phạt hơn 63 triệu đồng.
Mùa lễ hội chỉ mới bắt đầu, những hạn chế nêu trên rất cần được chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương tiếp tục chấn chỉnh, bảo đảm mùa lễ hội an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.