Hỗ trợ gạo dinh dưỡng cho trẻ em miền núi
Từ nhiều năm qua, trường Mầm non Ba Động, huyện Ba Tơ được tiếp nhận nguồn hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho học sinh. Trường có 7 lớp với gần 200 trẻ mầm non ở bán trú.
Tiền ăn mỗi ngày của trẻ từ 15.000-20.000 đồng gồm các bữa ăn chính, phụ bảo đảm cơ bản dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên đặc thù miền núi cao, trẻ em thường suy dinh dưỡng, thấp còi nên việc tăng chi phí để tăng cân cho trẻ gặp nhiều khó khăn.
Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi, nhà trường được nhận thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ mầm non bán trú. Mỗi năm, trường mầm non Ba Động tiếp nhận từ 700-1.000kg gạo dinh dưỡng.
Gạo dinh dưỡng có đầy đủ chất tinh bột, chất xơ và thành phần dinh dưỡng được chế biến sẵn phù hợp cho trẻ em, nhất là trẻ nguy cơ thấp còi, suy dinh dưỡng. Để bổ sung chất dinh dưỡng, nhà trường sử dụng 70% gạo dinh dưỡng được hỗ trợ và 30% gạo trắng chế biến bữa ăn cho trẻ.
Nhờ được chăm sóc, ăn uống đầy đủ theo khẩu phần, bổ sung chất dinh dưỡng trẻ em trường Mầm non Ba Động hấp thu tốt và tăng cân. Cô giáo Phạm Thị Hồng Nhuỵ, Hiệu trưởng trường Mầm non Ba Động cho biết, gạo dinh dưỡng hỗ trợ cho trẻ không chỉ góp phần cải thiện thêm bữa ăn mà còn tăng khẩu phần dinh dưỡng khác cho trẻ mầm non.
“Có gạo dinh dưỡng hỗ trợ thì nhà trường tiết kiệm được tiền mua gạo. Từ khoản tiết kiệm đó, chúng tôi mua thêm thức ăn, tăng sữa ở các bữa ăn phụ cho trẻ. Như vậy được hỗ trợ gạo dinh dưỡng vừa tốt cho sức khoẻ của trẻ vừa giúp phụ huynh giảm bớt khó khăn” - Cô giáo Phạm Thị Hồng Nhuỵ khẳng định.
Huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có 20 trường mầm non với gần 60 điểm trường; trong đó, có 19 trường được hỗ trợ gạo dinh dưỡng cho trẻ bán trú. Từ năm 2018 đến nay, huyện Ba Tơ được hỗ trợ 3.870 thùng với tổng 54.150 kg gạo dinh dưỡng.
Thực phẩm dinh dưỡng đạt chuẩn và đóng gói bảo quản, thành phần trong gạo bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường sử dụng cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng, giúp trẻ tăng cân. Hỗ trợ gạo dinh dưỡng cho trẻ học sinh miền núi phần nào giúp phụ huynh giảm chi phí đóng góp để tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường.
Ông Huỳnh Giang Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ cho biết “Trẻ mầm non miền núi suy dinh dưỡng ít nhiều, tùy mức độ nên chúng tôi cần thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Chúng tôi nhận nguồn thực phẩm là gạo dinh dưỡng nhiều năm liền nên thấy rõ sự cải thiện, thay đổi từ thể chất của trẻ. Và hy vọng sẽ được nhận sự hỗ trợ này nhiều hơn nữa cho trẻ em miền núi”.
Từ nhiền năm qua, từ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chương trình Hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ mầm non bán trú tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Từ nguồn hỗ trợ xã hội hoá, năm 2018 đến 2020, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hơn 136.000 kg gạo dinh dưỡng với tổng giá trị hơn 13,5 tỷ đồng.
Đồng thời, cung cấp, hỗ trợ cho các trường mầm non năm huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ mầm non bán trú tại các huyện miền núi góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.
Ông Đinh Duy Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, chương trình hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho học sinh mầm non miền núi có ý nghĩa lớn, phù hợp với thực tế vùng cao. Vì vậy, duy trì hỗ trợ giúp trẻ em phát triển thể chất trong giai đoạn quan trọng. “Chúng tôi tiếp nhận và phân phối thực phẩm dinh dưỡng đúng, phù hợp để bảo đảm các trường miền núi sử dụng hiệu quả. Thực tế từ nhiềm năm cho thấy hiệu quả dinh dưỡng rõ ràng cho trẻ mầm non, các địa phương thấy cần thiết và duy trì dài lâu hơn nữa”.
Chăm sóc trẻ em giữa dịch Covid-19
Hơn hai năm đại địch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, người dân. Đặc biệt, đối với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em chịu sự ảnh hưởng sâu sắc hơn.
Nhiều trẻ em cách ly phòng dịch Covid-19, trẻ là F0 được điều trị bệnh tại các trung tâm y tế. Do vậy, chăm sóc trẻ em nhiều phương diện và bảo vệ an toàn trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Hiện tỉnh Quảng Ngãi có hơn 500 em thiếu nhi trong các khu phong toả, khu cách ly và gần 160 trẻ phải điều trị Covid-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, sang chấn tâm lý. Trước thực tế này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã có các phương án hỗ trợ các em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 không có người thân bên cạnh để chăm nuôi, vì vậy tất cả việc ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc và điều trị cho trẻ đều do bác sĩ và điều dưỡng tại các cơ sở y tế chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc của nhân viên y tế đã giúp các em yên tâm dưỡng bệnh.
Bác sĩ Cao Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao Phổi tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ “Bệnh nhân Covid-19 thường lo lắng, bất an. Chúng tôi cùng với anh em đồng nghiệp vừa điều trị bệnh vừa chăm sóc tinh thần cho trẻ. Động viên bệnh nhân cũng như các cháu yên tâm nằm điều trị và tuân thủ theo chế độ điều trị của các thầy thuốc để sớm hồi phục”.
Tỉnh Quảng Ngãi vận động nhiều nguồn lực, xã hội hoá hỗ trợ, chăm sóc trẻ em là F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và trẻ em trong khu cách ly tập trung. Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện các chính sách cụ thể về chăm sóc người bệnh Covid-19, trong đó có trẻ em. Ngành chức năng hỗ trợ chi phí điều trị bệnh, cách ly phòng, chống dịch cho trẻ em bị ảnh hưởng.
Ngoài chế độ ăn cho trẻ em 80 nghìn đồng/ngày trong thời gian chăm sóc điều trị bệnh, cách ly phòng, chống dịch thì khi kết thúc việc cách ly tiếp tục được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng để tăng cường dinh dưỡng, phục hồi sức khoẻ. Sự chăm lo cho trẻ em là F0 và F1 đang điều trị và cách ly đã động viên trẻ và gia đình đồng hành vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm, dễ tổn thương. Giữa đại dịch, trẻ càng cần được sự chăm sóc, hỗ trợ tâm lý, động viên nhiều hơn. “Chúng tôi muốn làm những việc cụ thể, đến trực tiếp với trẻ em và gia đình. Đây là tình cảm, trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em để hỗ trợ các em”.
Nỗ lực vì trẻ em giữa đại dịch Covid-19
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 314.000 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi; trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 10.300 em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 15.000 em. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được tỉnh Quảng Ngãi thực hiện ở ba cấp độ là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Trong đó, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong thực thi quyền trẻ em; tăng cường tiếp cận y tế, giáo dục, vui chơi cho trẻ qua các hoạt động lồng ghép; hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình trẻ em nghèo; can thiệp ngăn chặn các vấn đề liên quan tâm lý, xâm hại để hỗ trợ kịp thời vật chất, tinh thần cho trẻ em.
Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu phòng, chống các bệnh thường gặp, dinh dưỡng cho trẻ và phòng, chống dịch Covid-19 triển khai kịp thời, phổ biến đến cơ sở. Các chương trình như tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 6 tuổi, phòng chống viêm não Nhật Bản, uống vitamin A… đạt 98%; 100% trẻ em được khám và chữa bệnh miễn phí, góp phần hạn chế bệnh tật, tử vong ở trẻ em.
Năm 2021 có khoảng 147.000 trẻ em dưới sáu tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó, có 9.500 trẻ hộ nghèo và cận nghèo.
Công tác giáo dục trẻ em cũng được ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi quan tâm thực hiện chặt chẽ. Sau nhiều nỗ lực, 92% trẻ 5 tuổi nhập học đúng độ tuổi; tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi hơn 99%; cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 73 trường trung học cơ sở triển khai chương trình giáo dục sức khoẻ giới tính và kỹ năng sống cho học sinh; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; tỷ lệ trẻ em được hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ tăng từ 40% năm 2020 lên 55% năm 2021.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em gặp khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế; điểm vui chơi giải trí, quyền tham gia của trẻ chưa đáp ứng được thực tế. Vì vậy, công tác chăm sóc trẻ em trong thời gian tới tiếp tục được đẩy mạnh, phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19.
“Chăm sóc trẻ em là quá trình, nhiều giải pháp, hoạt động đa dạng hơn. Ngành chúng tôi quan tâm hỗ trợ, chăm sóc cho trẻ, nhất là trẻ miền núi, hải đảo, trẻ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chúng tôi tham mưu để cùng các cấp, ngành có nhiều biện pháp sát với thực tế hơn nữa để có những chính sách tốt hơn cho trẻ em trong tỉnh” - Bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới khẳng định.