Nhà ở, trường học vẫn là vấn đề “nóng”
Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại, trước đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phát phiếu khảo sát các vấn đề, nội dung người lao động quan tâm và đã nhận được hơn 600 ý kiến, kiến nghị gửi tới lãnh đạo thành phố. Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, kết nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp. Ngay tại buổi đối thoại, đã có 22 lượt ý kiến tiếp tục phản ánh, kiến nghị những vấn đề mà người lao động quan tâm. Trong đó, nhà ở cho người lao động, trường học, nhà trẻ cho con em công nhân tiếp tục là nội dung được kiến nghị nhiều nhất.
Anh Nguyễn Văn Minh, Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) phản ánh: Nhiều lao động của công ty đang sống và làm việc tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, tuy nhiên do đưa vào sử dụng đã lâu, cho nên một số cơ sở vật chất tại đây đã xuống cấp, đề nghị thành phố quan tâm cải tạo, sửa chữa. Anh Minh cũng kiến nghị Ban quản lý Khu nhà ở công nhân Kim Chung đưa hai khu nhà cao 28 tầng đã xây dựng, hoàn thiện từ năm 2014 vào sử dụng, tránh lãng phí. Hiện nay có gần 2.000 hồ sơ của công nhân mong muốn được thuê nhà tại hai khu này. Bên cạnh đó, người lao động cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện để công nhân lao động được mua nhà tại dự án nhà ở xã hội khu đô thị mới Kim Chung đang được triển khai.
Anh Nguyễn Quang Đông, Công ty Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn) nêu vấn đề, người lao động từ các địa phương về làm việc tại Hà Nội không có hộ khẩu thường trú, cho nên không xin học được cho con vào các trường công lập trên địa bàn. Đề nghị ngành giáo dục có quy định, chính sách cụ thể cho đối tượng đặc thù này và đẩy mạnh việc xây dựng trường học tại các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu được đi học tại trường công lập của các gia đình. Đại diện khu công nghiệp Quang Minh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Nguyễn Đức Nhân cho biết, số lượng công nhân tại khu công nghiệp này ngày một đông, đề nghị thành phố quan tâm xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân và nhà văn hóa cho người lao động. Cùng quan điểm này, đại diện ngành dệt - may Hà Nội kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đề xuất các bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo cơ chế phù hợp, đầu tư quỹ đất cho các doanh nghiệp dệt may có đông lao động, sản xuất, kinh doanh ổn định, có nhiều đóng góp vào ngân sách địa phương, thành phố, được thuê hoặc mua đất để xây dựng nhà trẻ, nhà ăn ca, nhà tập thể, khu vui chơi, giải trí.
Tăng cường, mở rộng các kênh đối thoại
Năm 2019 là năm thứ tư TP Hà Nội phối hợp Liên đoàn Lao động tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu UBND thành phố với đông đảo công nhân lao động. Năm nay, thành phố đã chọn thời gian tổ chức vào ngày nghỉ để có nhiều người lao động được tham dự buổi đối thoại. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, buổi đối thoại cũng là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong gần bốn giờ diễn ra buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề người lao động quan tâm.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Các nội dung kiến nghị của công nhân trước đây có nội dung đã giải quyết được, có nội dung giải quyết được nhưng chất lượng chưa tốt, có những nội dung chưa giải quyết được. Đối với những nội dung giải quyết chưa tốt hoặc chưa giải quyết được, thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới. Về vấn đề nhà ở cho người lao động, đồng chí cho biết đây là vấn đề được người lao động đề cập nhiều tại các cuộc đối thoại trước và cũng là nội dung được thành phố quan tâm chú trọng. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 4,2 triệu m2 nhà ở xã hội và đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng đủ 6,2 triệu m2 nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn. Về bốn khu nhà cao tầng ở Khu nhà ở công nhân Kim Chung (huyện Đông Anh), do còn vướng mắc về diện tích các căn hộ và giá cho thuê, cho nên thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Thành phố đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp, chế xuất, Sở Xây dựng rà soát nhu cầu của công nhân để điều chỉnh về giá, về diện tích nhà, đáp ứng nguyện vọng của công nhân. Liên quan đề xuất, kiến nghị tạo điều kiện quỹ đất để được mua, thuê đất xây dựng hạ tầng, làm nhà trẻ, khu vui chơi cho người lao động, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố ghi nhận và sẵn sàng tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động được truyền tải kịp thời hơn tới lãnh đạo thành phố, bên cạnh số điện thoại cá nhân đã được công bố, thành phố còn có trang thông tin điện tử sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến kiến nghị của công nhân. Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp cùng đội ngũ công nhân lao động đối với sự phát triển của Thủ đô, đồng thời cũng khẳng định, thành phố luôn lấy doanh nghiệp và người lao động làm đối tượng quan tâm.