Bên cạnh đó, tình hình bão lụt với những diễn biến phức tạp đã và đang xảy ra ở một số tỉnh miền trung gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có nhiều gia đình của CNLÐ, đặc biệt là người lao động (NLÐ) ở các tỉnh miền trung hiện đang làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chuyên gia lao động, công đoàn dự báo, sẽ có nhiều CNLÐ khu vực miền trung không về quê hương đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do phải dành dụm tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Chính vì thế, việc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLÐ phù hợp điều kiện thực tế ngay từ bây giờ là việc làm cần thiết, nhằm phát huy tốt nhất các nguồn lực, thực hiện mục tiêu: Ðể mọi đoàn viên, NLÐ đều có Tết.
Tết Nguyên đán năm 2020, đã có gần tám triệu lượt đoàn viên, NLÐ được hỗ trợ tiền Tết, với tổng số tiền lên tới gần 4,1 nghìn tỷ đồng, hơn 1.600 CNLÐ được đón Tết trong ngôi nhà mới từ Quỹ Mái ấm công đoàn. Như vậy, sau bảy năm liên tục tổ chức thành công Tết Sum vầy, đã có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLÐ được hỗ trợ, tặng quà với số tiền hơn 15 nghìn tỷ đồng. Cũng theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, Tết năm 2021, tổ chức công đoàn dự kiến dành gói hỗ trợ chăm lo Tết giá trị hàng trăm tỷ đồng cho đoàn viên, NLÐ. Tiếp tục chuỗi thành công chương trình Tết Sum vầy, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được Tổng LÐLÐ Việt Nam triển khai thực hiện với chủ đề "Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương", tiếp tục nhân rộng, tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, DN - nơi có đông NLÐ. Ðặc biệt quan tâm chăm lo tới đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ. Ðây cũng chính là hoạt động tạo điểm nhấn đặc biệt để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm tham gia các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLÐ, gắn với hoạt động chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.
Ngoài việc tổ chức chu đáo những chuyến xe nghĩa tình đưa đón NLÐ về quê đón Tết, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, các cấp công đoàn cần tổ chức các hoạt động vui Tết, thăm, động viên đoàn viên, NLÐ không có điều kiện về quê, bảo đảm vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình. Chủ động phối hợp cơ quan chức năng nắm tình hình DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của NLÐ để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp xử lý; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện, có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLÐ ở các DN khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản. Tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLÐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian theo luật định; hạn chế tranh chấp lao động và ngăn ngừa có hiệu quả đình công trái pháp luật. Chủ động đề xuất với chủ DN tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng tuổi… cho đoàn viên, NLÐ ngoài tiền lương được thanh toán theo quy định của pháp luật, chung tay cùng DN tổ chức Tết Sum vầy cho CNLÐ hoặc có những hình thức động viên, chăm lo khác. Chủ động nắm tình hình và báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên về DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, DN bị phá sản, DN có chủ bỏ trốn chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng trước Tết, bảo đảm không để NLÐ nào không có điều kiện đón Tết... Bên cạnh đó, công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLÐ đón Tết, vui Xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Ðối với CNLÐ phải trực, làm ca, kíp không có điều kiện nghỉ Tết phải thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, không để vi phạm các tệ nạn xã hội hoặc các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Để có thể chăm lo ngày càng nhiều hơn nữa cho CNLÐ, các cấp công đoàn cần phát huy nguồn lực của toàn xã hội, sự hưởng ứng, ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đoàn thể, DN. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo chuyên môn dành nguồn kinh phí, gói hỗ trợ để hỗ trợ chăm lo Tết cho đoàn viên, NLÐ. Tổ chức tiết kiệm, khoa học, đưa được số lượng nhiều nhất CNLÐ về quê đón Tết, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, tạo sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn. Ưu tiên lựa chọn đoàn viên, NLÐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, bão lũ, thiên tai; CNLÐ thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Thái Sơn