Bằng nhiều cách làm, nguồn lực khác nhau, mỗi đơn vị, địa phương đều tổ chức các mô hình, chương trình chăm lo Tết phù hợp với các đối tượng cần sự hỗ trợ, tạo nên một không khí Tết đoàn viên, hạnh phúc với mỗi người, mỗi nhà.
Tết về khắp mọi nhà
Những ngày cận Tết Nguyên đán, khu nhà trọ của ông Đặng Văn Hương tại số 487/47B Võ Thị Nhờ, phường Tân Thuận Đông, Quận 7 trở nên nhộn nhịp, rộn ràng tiếng nhạc xuân khiến lòng ai cũng khấp khởi mừng. Ông Hương cho biết: "Cả năm mọi người đã tất bật với công việc, cuối năm, tôi quyết định liên hoan một bữa ra trò để mọi người chuẩn bị đón Tết thật đầm ấm, vui tươi".
Trước bữa liên hoan, ông chủ nhà trọ còn tặng cho mỗi phòng trọ (72 phòng) một phần quà trị giá 300.000 đồng. Nghĩa cử của ông Đặng Văn Hương là cách mà nhiều chủ nhà trọ, doanh nghiệp khác thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về để chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, người lao động của mình.
Dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết thiết thực, ý nghĩa đến đoàn viên, người lao động như các chương trình: "Họp mặt tặng quà"; "Tết sum vầy-Xuân tri ân" dành cho các nghiệp đoàn xe ôm, xe ôm công nghệ.
Hàng nghìn suất quà và tiền mặt đã được trao tận tay để các thành viên sắm sửa, chu đáo bên gia đình ngày Tết. Đối với chương trình "Tấm vé nghĩa tình", các cấp công đoàn đã vận động các doanh nghiệp có chính sách tặng vé tàu, vé xe hoặc ưu đãi về giá vé xe cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hàng nghìn vé xe, vé tàu đã giúp công nhân sớm đoàn tụ cùng gia đình ở quê nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đầm ấm hơn còn phải kể đến chương trình "Tết Sum vầy-Xuân tri ân" với hơn 13.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên công đoàn không có việc làm vì bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết cũng đã được tặng các phần quà trị giá một triệu đồng (quà trị giá 300.000 đồng, tiền mặt là 700.000 đồng).
Đối với các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê vui Tết, chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố" đã đồng hành với hơn 10.000 hộ gia đình để họ không cảm thấy cô đơn trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Ngoài ra, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, các chương trình "Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình" cũng tạo điều kiện để người lao động có cơ hội sắm Tết với các mặt hàng có giá cả phù hợp, hàng hóa bảo đảm chất lượng. Mô hình "Siêu thị mini 0 đồng-Tết Giáp Thìn 2024" là hoạt động ý nghĩa đã bước sang năm thứ tư, có được nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Tết 2024, chương trình đã phục vụ hơn 15.000 hộ gia đình khó khăn, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, làn sóng cắt giảm nhân sự... tại các địa phương. Thông qua các tấm phiếu (400.000 đồng/phiếu), người dân có thể chọn lựa các thực phẩm thiết yếu và hàng hóa cần thiết cho gia đình trong ngày Tết.
Vì sự hạnh phúc của nhân dân
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố đã dành gần 1.300 tỷ đồng để thực hiện công tác chăm lo Tết cho các đối tượng, thành phần tại các địa phương. Số kinh phí này tăng 5,2% so với năm 2023, trong đó, kinh phí Trung ương là 12,7 tỷ đồng, thành phố là 915 tỷ đồng, các địa phương là 39,6 tỷ đồng và vận động xã hội hóa 326 tỷ đồng. Thành phố cũng dành 654 tỷ đồng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 561.000 lượt người thuộc diện chính sách có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đồng thời, thưởng Tết cho 138.358 cán bộ, công chức, viên chức với số tiền 249 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trú đóng xa, các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, các hội đặc thù, câu lạc bộ hưu trí, truyền thống kháng chiến trên địa bàn... số tiền 1,6 tỷ đồng. Một trong những điểm nhấn để lại nhiều ấn tượng trong dịp Tết cổ truyền vừa qua là chương trình "Xuân Quê hương" năm 2024 được tổ chức thành công. Đây không chỉ là lễ hội của kiều bào mà còn là của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh thần hòa hợp dân tộc.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng diễn ra nhiều hoạt động thương mại, văn hóa, nghệ thuật như các chương trình livestream mua sắm Tết trực tuyến, đường sách, đường hoa, phố ẩm thực, các điểm du lịch mới. Cùng với đó, sự chăm lo chu đáo của chính quyền và các đoàn thể đã tạo khí thế tốt cho các hoạt động ngay sau Tết.
Tình hình an ninh, trật tự trước, trong dịp Tết được giữ vững. Một số vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người, tài sản đã được lãnh đạo thành phố thăm, động viên và chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hỗ trợ gia đình nạn nhân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trong 15 ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có 3,6 triệu lượt khách đến thành phố. Đây là con số rất lớn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, song tình hình giao thông thuận lợi, không có ùn tắc trừ một số chuyến bay từ phía bắc vào bị trễ do ảnh hưởng thời tiết xấu.
Đánh giá về công tác chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng: Điểm sáng trong công tác chăm lo Tết Nguyên Đán Giáp thìn 2024 là sự chung tay của toàn xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân có nghĩa cử, lòng nhân ái; sự gắn kết của hệ thống chính trị ở cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp, tất cả đã góp phần bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Tết, không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm, tình cảm, nghĩa cử của mỗi người dân, đơn vị, cơ quan trên thành phố mang tên Bác.