Theo khảo sát sơ bộ của tổ chức công đoàn, đa số doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp FDI cho thấy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt năm vừa qua, nhất là khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, cố gắng tạo công việc cho khoảng 50% người lao động, số còn lại phải tạm dừng việc nhiều tháng, hưởng 75% lương cơ bản. Nhìn chung, đời sống công nhân, lao động vốn không dư dả, nay càng khó khăn, không có tích lũy. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã bỏ khoản chi phí lớn cho công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất theo phương thức "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến", ảnh hưởng lớn đến sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.
Cũng theo nhận định từ phía tổ chức công đoàn, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì hoạt động tốt trong dịch bệnh, có mức thưởng Tết khả quan như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử… Nhưng tổng thể, tình hình thưởng Tết sẽ giảm, thậm chí các lĩnh vực vẫn khó khăn như: du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết cho người lao động. Thấu hiểu điều này, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sớm chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cân nhắc, đề nghị doanh nghiệp cố gắng duy trì giữ nguyên mức thưởng như hằng năm. Coi đây là hành động thiết thực nhất từ phía doanh nghiệp nhằm động viên, giữ chân người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, góp phần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, căn cứ vào lợi nhuận của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của từng cá nhân, có thể có những phần thưởng động viên, khích lệ thêm.
Bên cạnh đó, do điều kiện đi lại giữa các tỉnh, thành phố còn hạn chế, khó khăn do dịch bệnh sẽ còn có những diễn biến phức tạp, dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, lượng công nhân, lao động về quê đón Tết sẽ giảm. Việc tổ chức các hoạt động: Tết Sum vầy, thi gói bánh chưng; nhiều hoạt động tất niên, vui xuân, đón Tết, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, như thường niên sẽ được rút gọn hoặc không tổ chức thực hiện nhằm phòng, chống dịch. Do đó, công đoàn các cấp cần có những hình thức chăm lo khác; tập trung vào các đối tượng: người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn; có vợ hoặc chồng hoặc con mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi có hoàn cảnh khó khăn; đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động; con em công nhân, lao động bị mồ côi cha mẹ vì Covid-19…
Với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", các cấp công đoàn cần chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản; tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất để tăng thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Tăng số lượng đoàn viên, người lao động được hỗ trợ so với các năm trước; tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết, động viên đoàn viên, người lao động cố gắng ở lại đón Tết. Trường hợp đoàn viên, người lao động có nhu cầu về quê thì hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định. Ðồng thời, cần tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công trái luật phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
PHÚC QUÂN