Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Chăm lo phát triển văn hóa - cảm nhận sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII

Văn hóa vốn luôn luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng, nối tiếp và tiếp biến nhau trong thời gian và không gian. Vận động và phát triển văn hóa Việt Nam trong hai năm rưỡi qua (1/2021-6/2023) chỉ là một thời gian rất ngắn trong dòng chảy đó, vì vậy, có lẽ là chỉ những nhìn nhận ban đầu mà chưa thể đánh giá, tổng kết. Mặt khác, đó lại là một công việc của nhiều người, nhiều cơ quan… yêu văn hóa, thực hiện chức năng quản lý, hoặc thường xuyên gắn bó và trải nghiệm văn hóa từ nhiều năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Thổ Bình (Lâm Bình) thêu trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Thổ Bình (Lâm Bình) thêu trang phục truyền thống.

Văn hóa phát triển tự thân. Ðó là một quy luật đặc thù. Song, tâm thế thời đại và sự định hướng có một sức tác động mạnh mẽ. Ðại hội XIII của Ðảng là sự hội tụ sức mạnh dân tộc để "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa"(1). Từ đây, văn hóa Việt Nam được đặt trong tâm thế và yêu cầu mới. Chính từ mục tiêu đó mà Ðại hội đã xác định những tư tưởng chỉ đạo và định hướng phát triển văn hóa ở tầm cao mới.

Nhìn từ góc độ lịch sử, có lẽ là hoàn toàn mới. Ðó là, lần đầu tiên, văn hóa trở thành một nội dung quan trọng, một nhiệm vụ trọng tâm, trong ba đột phá chiến lược: "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Và có lẽ, cũng là lần đầu tiên, yêu cầu xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam trở nên cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, đồng bộ cả ba khâu: "nghiên cứu, xác định, triển khai" trong thực tiễn đời sống.

Cùng với hai định hướng lớn và mới trên, Ðại hội XIII đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu cần thực hiện cho tất cả các lĩnh vực của văn hóa gắn với nhu cầu của chính văn hóa và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ lịch sử mới của đất nước. Ðó chính là cơ sở, là điểm tựa để nhìn nhận, cảm nhận những kết quả, thành tựu văn hóa đã nỗ lực đạt được, những công việc cần tiếp tục thực hiện và cả những gì cần khắc phục, vượt qua hoặc chưa được triển khai sau nửa nhiệm kỳ.

Phải chăng, nửa nhiệm kỳ qua, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Ðại dịch Covid-19 hoành hành gần hai năm, tàn phá cuộc sống và con người như chưa từng có trong lịch sử, đảo lộn những dự định phát triển kinh tế, phải xoay chuyển lại trong tình thế hiểm nghèo. Sự chỉ ra "giặc nội xâm" tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất đã tồn tại và lan truyền nhiều năm trở thành một thách thức nhức nhối trong toàn xã hội. Song, chúng ta đã vượt qua những thách thức khắc nghiệt ấy.

Kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực tìm đường tăng trưởng, đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, Ðảng và Nhà nước kiên quyết, tỉnh táo "đốt lò", lòng dân bình yên. Vì sao có được những thắng lợi trên? Có lẽ, không chỉ là thắng lợi của kinh tế, của chống đại dịch và tham nhũng mà sâu xa hơn, đó chính là thắng lợi của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, thắng lợi của sự kiên cường, của ý chí, trí tuệ và của lòng nhân ái, vì nghĩa lớn.

Và đó chính là văn hóa. Không có tình thương, tình đồng bào, "thương người như thể thương thân", không thể có sức mạnh, niềm tin để vượt qua đại dịch. Và đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống được "sống lại" thành sức mạnh nội sinh của mỗi con người và của cả dân tộc trong hơn hai năm qua.

Thực tiễn hơn hai năm qua đã bước đầu trả lời câu hỏi: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước đó chính là phát huy cao độ và hiệu quả nhất sức mạnh văn hóa, là trí tuệ và lòng dân. Hai năm rưỡi qua, chúng ta đã gặt hái được nhiều sản phẩm, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đáng trân trọng trên các loại hình, loại thể có khả năng bao quát, "chiếm lĩnh" hầu hết các lĩnh vực của đời sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và mới của công chúng tiếp nhận, đó là một kết quả, một nỗ lực to lớn của những người sáng tạo và hoạt động văn hóa.

Nếu nhìn sâu hơn, điều đáng ghi nhận là ở chỗ các sản phẩm đó đang hội tụ về hướng xây dựng và nuôi dưỡng những cái tốt đẹp của con người và có sức lan tỏa thấm sâu vào đời sống, đồng thời phát hiện những vấn đề của chính thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, cái thiện và cái ác. Những sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và đến với công chúng ngay trong những ngày đang ở tâm đại dịch Covid-19 đã trở thành nguồn động viên thật sự to lớn đối với chúng ta.

Do công việc và sự ham thích, hơn hai năm qua, được đọc, xem, nghe hàng trăm tác phẩm văn học và các loại hình nghệ thuật, tôi cảm nhận rằng, đang có sự chuyển mình theo hướng phản ánh đa chiều hiện thực đời sống và số phận con người, sự tìm tòi và đổi mới hệ hình tư duy sáng tạo để từng bước tạo được các tác phẩm có sự kết hợp mới giữa cái truyền thống và nhu cầu vươn tới hiện đại. Tuy chưa có được những tác phẩm thật sự xuất sắc, song đó là dấu hiệu mới của năng lực sáng tạo, của quy luật phát triển. Theo quy luật đó, chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi những thành tựu mới trong tương lai gần.

Chúng ta có một gia tài tinh thần-văn hóa độc đáo mang đậm sâu bản sắc dân tộc. Từ lâu, Ðảng và Nhà nước khẳng định nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, phát huy và phát triển gia tài vô giá đó. Tiếp tục theo định hướng đó, từ Ðại hội XIII đến nay, trong thời gian không dài, song đã và đang xuất hiện các dấu hiệu mới về chất, về sự sáng tạo.

Ðó là những di sản văn hóa của các dân tộc đang được sống lại trong không gian sáng tạo của nó, trở thành một thành tố, một thực thể hữu cơ trong cuộc sống hiện tại của những cộng đồng đã sáng tạo ra nó.

Ðó là xu hướng nỗ lực phát huy hiệu quả nhất văn hóa Việt Nam, là tài nguyên đặc biệt và độc đáo của du lịch, góp phần trực tiếp từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Ðại hội XIII.

Ðó là những nỗ lực phát huy đặc trưng và thế mạnh của văn hóa truyền thống kết hợp với khoa học và công nghệ để xây dựng và phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Những khởi động đầy sáng tạo đã bắt đầu, thành tựu chưa cao, những triển vọng lớn là chắc chắn.

Và đó là những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc đang được phát huy để Việt Nam trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế và trở thành sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế, khẳng định nội lực Việt Nam.

Nỗ lực vượt qua những bất cập, hạn chế của báo chí, truyền thông, xuất bản những năm trước, sau khi thực hiện một bước sắp xếp và quy hoạch báo chí, truyền thông đã vươn lên trở thành người đồng hành tin cậy và tỉnh táo của cuộc sống đương đại, đóng góp tích cực vào sự phát triển và tham gia trực tiếp ngăn chặn, phát hiện và lên án những cái xấu xa, đen tối, hư hỏng, biến chất, độc ác… Ðó là những dấu hiệu đáng mừng của một "nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" như yêu cầu của Ðại hội XIII đối với lĩnh vực này.

Kết quả trên là rất đáng trân trọng sau nửa nhiệm kỳ Ðại hội. Song, đối chiếu với yêu cầu và nhiệm vụ của văn hóa được xác định trong Ðại hội, còn nhiều việc phải làm. Ngành văn hóa đã có chương trình tổng thể phát triển văn hóa trong những năm tới. Xin được tham gia góp một vài đề xuất để có thể hoàn tất những nhiệm vụ của văn hóa theo văn kiện Ðại hội XIII.

Mục tiêu trọng tâm và cốt lõi của văn hóa là xây dựng con người. Hiện nay và những năm sắp tới, mục tiêu đó trở thành một thách thức gay gắt và nhiệm vụ lớn lao đối với văn hóa. Văn kiện Ðại hội XIII chỉ ra yêu cầu "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới". Nhiệm vụ đó đặt ra cho cả lý luận văn hóa và các hoạt động thực tiễn sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Trong sự phát triển đa dạng, phong phú của văn hóa, cần hội tụ tất cả các dòng mạch phát triển đó cho mục tiêu xây dựng con người và cần tập trung nhân lực, tài lực, vật lực cho dòng mạch chính là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người. Mặt khác, cần khẩn trương tổng kết thực tiễn để xây dựng bằng được các hệ giá trị cốt lõi, định hướng cho sự phát triển con người Việt Nam dân tộc, hiện đại, hội nhập.

Các công việc trên đang được triển khai, song chưa đạt tới kết quả theo yêu cầu của Ðại hội. Chậm hoàn thành không chỉ bỏ lỡ thời cơ mà còn ảnh hưởng lớn đến xu hướng, khuynh hướng lựa chọn các giá trị, nếu không nghĩ tới khả năng lúng túng, lệch chuẩn và cả loạn chuẩn có thể diễn ra trong thời kỳ quá độ "lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp" hiện nay.

Khi xác định nhiệm vụ của văn hóa, trong các văn kiện của Ðảng thường nhấn mạnh xây dựng môi trường văn hóa. Văn kiện Ðại hội XIII chỉ ra cụ thể những công việc lớn phải làm đó là "có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh", và "thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội".

Ðó là yêu cầu kết hợp giữa xây và chống với những nội dung rất cụ thể. Hai năm rưỡi qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, song phải chăng chưa đủ tầm và hiệu lực, hiệu quả để thực hiện được yêu cầu "thật sự trong sạch, vững mạnh" với những "giải pháp đột phá". Lòng dân vẫn chưa yên, nhiều bức xúc khi chứng kiến những cái xấu xa, độc ác, sự xuống cấp của nhân cách đang có biểu hiện trầm trọng hơn trước, trực tiếp đe dọa sự bình yên của cuộc sống.

Phải chăng, hiệu lực điều chỉnh của pháp luật giữa dân chủ và kỷ cương, phép nước còn nhiều bất cập. Và đặc biệt, về văn hóa, lâu nay chưa chú trọng phát huy sức mạnh của chức năng điều tiết của văn hóa trong xử lý các mối quan hệ của con người với thiên nhiên, với xã hội, với con người và với chính mình.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Ðiều hiển nhiên đó đúng với mọi lĩnh vực, song đối với văn hóa-một lĩnh vực mang nhiều đặc thù, liên quan trực tiếp đến con người, cái gốc đó càng trở nên cấp thiết, vì vậy, văn kiện Ðại hội XIII thẳng thắn, khách quan chỉ ra "chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới", từ đó nhấn mạnh một nhiệm vụ lớn và khó "đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu… nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" và "rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ"… để đạt mục tiêu "trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa".

Thời gian qua, một số đề án đã được xây dựng và triển khai, song, trong thực tiễn, kết quả của nó còn nhiều hạn chế. Sự "lệch pha", không phù hợp trong sắp xếp, sử dụng, sự thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng, dấu hiệu của sự đứt gãy thế hệ đủ tầm, đủ tâm trong lĩnh vực đặc thù này không còn là dự báo mà đang dần hiện hữu. Chỉ còn hơn bảy năm nữa, liệu mục tiêu "khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ" này có đạt được?

Xét đến cùng, đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu… nhất là cán bộ chủ chốt trên lĩnh vực văn hóa chính là đặt ra một yêu cầu cao và tất yếu, đó là "tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa".

Ðầu tư cho văn hóa được nhấn mạnh trong Ðại hội XIII, chúng ta đã cố gắng vượt bậc trong thời gian qua, song để có được những thành tựu mới, cao hơn "đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa" lại chính là đầu tư trí tuệ, sự thấu hiểu vai trò, đặc trưng của văn hóa, tầm nhìn, năng lực của sự lãnh đạo và quản lý.

Phải chăng, hai sự đầu tư trên là "yêu cầu kép" bảo đảm cho sự phát triển văn hóa. Trong điều kiện có tính quyết định đó, những người hoạt động và sáng tạo văn hóa tin tưởng rằng, những nhiệm vụ đang làm và chưa kịp triển khai sẽ đạt được kết quả mới trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

------------------------

(1) Những đoạn trong ngoặc kép là trích từ Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, những chữ in nghiêng là tác giả nhấn mạnh.