Có thể thấy, mức hưởng thụ văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thường diễn ra theo hai chiều, xuất phát từ phía Nhà nước và do cộng đồng tự tạo dựng. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, khả năng tự thân từ cộng đồng là khá hạn chế, trong khi sự quan tâm của các cấp chính quyền còn chưa đúng mức, thiếu một hệ thống chính sách phù hợp. Ðiều này có thể thấy qua các hoạt động tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ dành cho đồng bào ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, nếu tính chính xác sẽ có mức chi phí cao gấp nhiều lần khu vực nông thôn đồng bằng. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho những hoạt động này lại tính theo đầu dân với số lượng dân rất ít ở các xã miền núi là điều không thực tế và bất bình đẳng so với khu vực đồng bằng. Ngoài ra, vẫn còn những chính sách được ban hành thiếu thực tế, không thu hút được sự hưởng ứng tham gia của người dân, gây lãng phí. Ở nhiều nơi, các vật phẩm văn hóa, sách, báo được phát cho đồng bào vùng cao không mang lại tác dụng thiết thực bởi chưa phù hợp trình độ dân trí. Ngược lại, có những ấn phẩm, vật phẩm văn hóa được đồng bào ưa thích bởi phù hợp khả năng nhận thức của họ, có tác dụng tuyên truyền tốt thì không được chú ý đầu tư sản xuất, phát hành, như các băng đĩa hình, đĩa tiếng về ca nhạc, dân ca, diễn xướng dân gian, phim truyện, phim phóng sự lồng tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh vẫn chưa có nổi một trung tâm lồng tiếng cho các đơn vị phát hành phim và chiếu bóng hoặc, nếu có thì cũng hoạt động cầm chừng do hạn chế về biên chế và kinh phí, chỉ lồng được một số ngôn ngữ chủ yếu. Việc đầu tư không phù hợp thực tế và khập khiễng đã làm cho đời sống văn hóa vùng cao vẫn nghèo nàn. Bên cạnh đó, sau mười năm tìm hiểu với quá nhiều hội thảo, trao đổi, ngành văn hóa vẫn chưa ra được chính sách công nhận và tôn vinh một cách xứng đáng các nghệ nhân dân tộc để động viên và nhất là hỗ trợ về vật chất, giúp họ có điều kiện giữ gìn, trao truyền cho các thế hệ sau những tri thức, di sản văn hóa của cộng đồng, của dân tộc.
Sự quan tâm, ưu đãi nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách phù hợp mang tính chất đặc thù, trong đó cần nghiên cứu và đề xuất cả một hệ thống chính sách liên quan tới quá trình đầu tư sản xuất, lưu thông, phổ biến, phân phối các sản phẩm văn hóa cho vùng cao, phù hợp với nhu cầu và đời sống của đồng bào; có chính sách hỗ trợ và ưu đãi với định mức chi tăng gấp nhiều lần so với mức chi hoạt động văn hóa ở vùng đồng bằng. Việc hỗ trợ hoạt động văn hóa có vai trò quan trọng của Nhà nước, nhưng cũng cần thực hiện theo hướng xã hội hóa, huy động sự tham gia của các nguồn lực, tạo dựng cơ sở vật chất cho hệ thống các thiết chế văn hóa vùng cao; bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động văn hóa có đủ nguồn kinh phí sản xuất và phổ biến văn hóa phẩm dành cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Nhà nước cần tăng cường hơn nữa đơn đặt hàng sản xuất các văn hóa phẩm điện ảnh, ca múa nhạc, truyền hình, phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số hỗ trợ về phụ cấp lương, chế độ công tác phí, kinh phí vận chuyển và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại cơ sở.
Chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần được ngành văn hóa và các cấp chính quyền cụ thể hóa bằng định mức nguồn kinh phí hằng năm trao cho các giải thưởng, tổ chức tập luyện, sáng tác và biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Trong chính sách với các nghệ nhân, nên có chính sách cụ thể về quyền lợi để họ được hưởng thụ tương tự như đối tượng người có uy tín của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cho phép các câu lạc bộ, các lớp truyền dạy do nghệ nhân tổ chức được hưởng chế độ hỗ trợ như với đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở; đồng thời sớm ban hành Nghị định về danh hiệu nghệ nhân để tôn vinh, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho họ yên tâm hoạt động; đóng góp vào phong trào văn nghệ ở địa phương.