Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chính sách, kế hoạch để bảo đảm công tác chăm lo an sinh xã hội, đời sống vật chất, đồng thời quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các hoạt động đã góp phần quan trọng nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Trao học bổng tặng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Quận 8.
Trao học bổng tặng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Quận 8.

Lần đầu tiên, giữa lòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (Quận 3), lễ hội đua ghe Ngo Quận 3 của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của hàng chục nghìn người dân theo dõi, cổ vũ nhiệt tình trên suốt chặng đường đua. Song song với phần dự thi đua ghe Ngo còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh với các món ăn đặc trưng như bún nước lèo, cốm dẹp (dân tộc Khmer); xôi ngũ sắc (dân tộc Tày); mì vịt tiềm (dân tộc Hoa); cà ri bò (dân tộc Chăm); bánh Huế... để phục vụ khách tham quan.

Tương tự, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Thủ Ðức cũng mãn nhãn với hoạt động biểu diễn lân sư rồng. Ðây là hoạt động văn hóa thể thao truyền thống của cộng đồng dân tộc Hoa sinh sống trên địa bàn thành phố. Mặc dù tổ chức lần đầu tiên, nhưng giải lân sư rồng thành phố Thủ Ðức mở rộng đã thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều đoàn lân sư rồng có truyền thống và nhiều thành tích cao đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các đoàn lân sư rồng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.

Thực hiện Quyết định số 1270/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách đạt kết quả tích cực. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, di tích văn hóa trong đó có văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Thành phố cũng phối hợp Học viện Dân tộc xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống của ba dân tộc Hoa, Chăm, Khmer trên địa bàn thành phố gắn với phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2025; góp phần mở ra hướng mới trong nâng cao chất lượng đời sống, giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố ban hành như: Miễn giảm học phí đối với học sinh người dân tộc Chăm và Khmer; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; miễn học phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số…

Thành phố cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cộng đồng dân tộc thiểu số; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hội đoàn, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, qua đó giúp hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 2023, các địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm, dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương đã hỗ trợ để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp; sửa chữa, xây dựng 72 căn nhà, nhà tình thương; hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng;…

Ông Tăng Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị cùng với các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trên các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, chương trình công tác dân tộc năm 2024 gắn liền với chủ đề năm 2024 của thành phố, trong đó, thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trên các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và thành phố nói riêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 53 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm 103.092 hộ với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn thành phố. Các dân tộc có quy mô số dân trên 1.000 người gồm: Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Ðê và Gia Rai; trong đó, có ba dân tộc chiếm số đông là dân tộc Hoa với 377.162 người, dân tộc Khmer 42.415 người và dân tộc Chăm 9.796 người. Ðồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen ở khắp các quận, huyện của thành phố.