Chăm lo đời sống các nghệ nhân

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các nghệ nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba. Qua hai đợt xét tặng, có nhiều nghệ nhân được vinh danh, tuy nhiên việc chăm lo đời sống cho các nghệ nhân hậu vinh danh vẫn còn nhiều điều cần suy nghĩ.

Các nghệ nhân quan họ Bắc Ninh (Ảnh: bacninh.dangcongsan.vn)
Các nghệ nhân quan họ Bắc Ninh (Ảnh: bacninh.dangcongsan.vn)

Theo tinh thần của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là những người có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương thể hiện qua các kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân chính là những người chứa đựng hồn cốt, tinh hoa, các giá trị cốt lõi của một loại hình văn hóa truyền thống. Những kiến thức tích lũy một đời của họ là di sản quý báu để truyền thụ lại cho các thế hệ tiếp nối.

Mỗi kỳ xét duyệt hồ sơ tôn vinh các nghệ nhân là cơ hội để chúng ta đánh giá, khẳng định lại vai trò giữ lửa, truyền lửa của họ trong đời sống văn hóa đất nước. Mừng vì có thêm nhiều nghệ nhân được vinh danh, nhưng cũng còn đó rất nhiều trăn trở. Thực tế dễ thấy từ những đợt vinh danh trước, không ít nghệ nhân trong đời sống thực tế vẫn đang vật lộn với cuộc sống khó khăn.

Nghị định 109/2015/NĐ-CP quy định về việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều nghệ nhân sống ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được chính sách do tuổi cao, sức yếu, do thủ tục hành chính khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, các Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú là những người có cống hiến cho cộng đồng, vì thế không nên chỉ căn cứ vào gia cảnh, bệnh tật để xét có trợ cấp hay không. Điều đáng suy nghĩ hơn, nhiều nghệ nhân tuổi cao vẫn phải làm nhiều công việc để mưu sinh, trong khi những kiến thức văn hóa nghệ thuật truyền thống một đời họ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ không có cơ hội được thực hành, giao tiếp để phát huy giá trị trong đời sống nhân dân. Nguyên nhân là vì ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân phát huy kho tàng kiến thức văn hóa dân gian vừa làm phong phú đời sống sinh hoạt văn hóa của địa phương, vừa giúp bảo đảm cuộc sống cho họ.

Hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực đầu tư rất lớn cho bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trong khi đó, đối tượng trung tâm là con người (tức là các nghệ nhân) vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Chính vì thế, việc trao tặng danh hiệu, vinh danh các nghệ nhân là cần thiết, nhưng việc vinh danh sẽ càng ý nghĩa hơn nếu có chế độ, chính sách cụ thể chăm lo tốt hơn đời sống của các nghệ nhân, tạo môi trường, điều kiện để họ được hoạt động, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.