Theo đó, các đơn vị thực hiện chương trình sẽ khảo sát toàn diện và đánh giá cụ thể từng trường hợp trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn qua đó xác định các giải pháp hỗ trợ phù hợp dựa theo 3 khía cạnh gồm: Dinh dưỡng và các nhu cầu cơ bản; vấn đề sức khỏe, thị lực và các rối loạn lo âu có thể có do mất cha mẹ đột ngột; thay đổi nơi ở và khả năng đáp ứng yêu cầu về thiết bị và mạng Internet để học tập trực tuyến.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ, bảo vệ và tiếp thêm động lực cho khoảng 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tới khi các em trưởng thành. Các đơn vị sẽ thực hiện công tác này theo hai giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn đầu sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần với việc đến thăm nhà của trẻ mồ côi để thu thập dữ liệu và thực hiện hỗ trợ theo 3 khía cạnh nêu trên. Tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, cán bộ Đoàn, Đội tại địa phương sẽ tiếp cận từng trường hợp trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để xác định nhu cầu cá nhân và từ đó đưa ra kế hoạch cung cấp các hỗ trợ cần thiết, đo lường, đánh giá và báo cáo kết quả.
Ở giai đoạn 2, các kết quả khảo sát sẽ được chuyển cho các chuyên gia y tế cộng đồng và nhân viên xã hội để phân tích và từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng trẻ.
Chương trình cũng sẽ làm việc cùng các bác sĩ và y tá chuyên khoa để tham gia chẩn đoán hoặc điều trị cho các trường hợp cần can thiệp y tế. Ngoài ra, các dữ liệu khảo sát cũng sẽ được bàn giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; chương trình “Gia sư áo xanh” của Hội Sinh viên-Hội đồng Đội thành phố để cùng chung tay, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.
Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động, công tác của chương trình sẽ từ 6,8 đến 11,3 tỷ đồng tùy thuộc vào hoạt động đánh giá.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch Covid đã khiến 48 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.