“Chạm” đến trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật

NDO -

Hưởng ứng ngày 2-4, Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (World Autism Awareness Day), doanh nghiệp xã hội Tohe tổ chức triển lãm mang tên “Thế giới song song” nhằm mục đích chia sẻ câu chuyện, tác phẩm của trẻ tự kỷ đến cộng đồng. Triển lãm được tổ chức tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Tác phẩm “Dòng chảy” của Minh Đức (1994).
Tác phẩm “Dòng chảy” của Minh Đức (1994).

“Thế giới song song” là triển lãm giới thiệu sáu bộ tác phẩm của sáu bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ trong lớp học nghệ thuật của Tohe Fun. Mỗi một tác phẩm đều được sắp đặt dưới chuỗi hoạt động tương tác, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh,.. khác nhau mang đến trải nghiệm thú vị cho người xem. 
Triển lãm là cầu nối đưa công chúng đến gần hơn với các bạn nhỏ tự kỷ, nơi nghệ thuật là ánh đèn soi chiếu, đánh thức những giác quan và cho chúng ta một khoảng lặng để “chạm” tới được cuộc sống của trẻ tự kỷ. 

“Chạm” đến trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật -0
 Chiếc hộp “Hồi ức kể chuyện” của Vũ Nhật Tiến (2005).

Phần đầu của triển lãm, BTC đã giúp người xem hiểu được thế giới của trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Họ cũng có những nhu cầu, tâm lý tình cảm, những đức tính tốt đẹp của một người bình thường. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, những biểu hiện của trẻ tự kỷ lại tạo ra cho chúng ta sự phân biệt, chia cách.  

“Chạm” đến trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật -0
 Những cây đàn rực rỡ sắc màu của Sae Hae.

Đi vào khu vực “Soi chiếu” của Triển lãm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng sáu tác phẩm của sáu bạn nhỏ: Lee Nguyễn Sae Hae, Phạm Đức Việt, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Nhật Tiến, Văn Minh Đức, Đinh Đăng Long với sáu tính cách khác nhau. Nhật Tiến là một con người hứng thú với những điều truyền thống; Đăng Long giản dị với niềm đam mê logo; Minh Đức luôn tập trung với công việc; Sae Hae thông minh, sáng tạo và đặt nhiều câu hỏi;  Khôi Nguyên trong sáng, nhẹ nhàng; Đức Việt thì có sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Ở đây người xem có thể soi chiếu mình vào đâu đó trong sáu bạn nhỏ, để gần nhau hơn và phá bỏ sự khác biệt.

“Chạm” đến trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật -0
 Tác phẩm của Đăng Long – bạn nhỏ có niềm đam mê với vẽ  logo, hình hiệu các chương trình.

Tại triển lãm, Tohe dành phần cuối cùng để giới thiệu góc ''Chạm'' là video về kỹ thuật hòa mình. Trả lời cho câu hỏi làm sao để chúng ta tiếp cận và gần gũi hơn được với các trẻ tự kỷ thì chúng ta cần làm theo các bạn ấy, tạo được mối liên kết thì sau đó mới nhận được sự phản hồi của các bạn. 
Chị Nguyễn Thị Mộng Thu, một đại diện Ban tổ chức của triển lãm “Thế giới song song” cho biết: “Trong hai ngày đầu diễn ra sự kiện, triển lãm nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là nhóm đối tượng liên quan đến trẻ tự kỷ.

Triển lãm tiếp tục mở cửa đón khách đến 4-4 tại tại Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.