Nước thải đổ thẳng xuống kênh
Khởi động từ năm 2015, dự án kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn hai Quận 5, 6 thuộc dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu cải tạo tuyến kênh để giải quyết ngập trên các tuyến đường thuộc Quận 5, 6 và 11, giảm ô nhiễm môi trường. Song ghi nhận trên thực tế, dọc tuyến kênh thuộc Phường 5, Phường 8, Quận 6 dòng nước thải vẫn đen thui, bốc mùi hôi thối. Ông Nguyễn Thanh Sang, một người dân ngụ đường Bãi Sậy, Phường 8, Quận 6 lắc đầu: “Thành phố đã chỉnh trang, làm kè hai bên tuyến kênh Hàng Bàng gần 10 năm nay, nhưng nước thải chưa được xử lý, cho nên vẫn còn ô nhiễm nặng. Người dân mong thành phố quan tâm, xử lý nước thải dưới kênh thì mới hy vọng môi trường sống thật sự được cải thiện”.
Hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc con kênh Tham Lương phấn khởi vì dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị toàn bộ tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên dài gần 32 km được thành phố khởi công xây dựng đầu năm 2023. Đây cũng là tuyến kênh đi qua nhiều quận, huyện ở thành phố bị ô nhiễm từ lâu do nước thải sinh hoạt từ hàng nghìn hộ dân sinh sống hai bên đổ ra. Bà Nguyễn Thị Nga (ngụ khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12) cho hay, tuyến kênh này hầu hết bị ô nhiễm nặng, dòng nước đen quánh, rác thải và xà bần bị đổ lén khiến lòng kênh ngày càng bồi lắng. Chỉ mong dự án sớm hoàn thành để người dân không phải sống chung với ô nhiễm.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố, mục tiêu quan trọng của dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên là giải quyết tiêu thoát nước mưa cho lưu vực có diện tích 14.900 ha, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý nước thải, nạo vét và mở rộng lòng kênh rộng 70 m. Công trình sẽ đầu tư hơn 80 km hệ thống cống chính, nối đến những nơi đã đô thị hóa cao trong khu vực. Nước thải ở tuyến cống chính sau đó được tách riêng, dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát qua hệ thống cống nhỏ hơn.
Các Nhà máy xử lý nước thải vẫn ì ạch
Theo quy hoạch, đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng và hoàn thành 12 nhà máy xử lý nước thải có công suất khoảng 3 triệu mét khối/ngày. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới hoàn thành ba nhà máy, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất 469.000 m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày, cùng bốn trạm xử lý nước thải của khu dân cư với tổng công suất thiết kế là 644.200 m3/ngày, khả năng xử lý đạt khoảng 40,8% theo nhu cầu.
Trong khi đó, công trình lớn nhất là Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè với công suất 480.000 m3 mỗi ngày, thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2) triển khai gần 10 năm trước, song chậm tiến độ do nhiều vướng mắc. Theo tiến độ, công trình sẽ hoàn thành năm 2025. Một dự án cũng đang gặp vướng mắc là Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát (đặt tại Quận 12) được đầu tư 1.900 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng vào năm 2018 nhưng mới đạt khoảng 10% công suất (tương đương 13.000-15.000 m3/ngày).
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố-chủ đầu tư, lý giải: Nhà máy chưa thể chạy hết công suất vì thiếu hệ thống thu gom, do đó xem như nhà máy xử lý nước thải này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Theo thiết kế, nhà máy có khả năng xử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày cho lưu vực rộng hơn 2 ha, gồm quận Gò Vấp và một phần Quận 12, quận Bình Thạnh, nơi có khoảng 700.000 dân, qua đó giúp giảm ô nhiễm cho tuyến kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, sông Sài Gòn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố chia sẻ: Nếu công tác giải tỏa nhà trên kênh, rạch và chỉnh trang đô thị cần nguồn vốn đầu tư rất lớn thì khâu thu gom, xử lý nước thải lại cần đến yếu tố thi công, kỹ thuật và giải pháp thực hiện. Thí dụ như dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng phải thi công mất khoảng 10 năm, trong đó, việc thi công 30 km cống bao để thu gom nước thải từ hệ tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé về nhà máy phải đi ngầm rất phức tạp. Trước mắt giai đoạn 1 của nhà máy mới thu gom nước thải, phục vụ cho hai triệu dân thành phố.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho biết, ngoài các dự án nhà máy xử lý nước thải đang triển khai, đưa vào vận hành, thành phố cũng mời gọi đầu tư sáu nhà máy xử lý nước thải, gồm: Tây thành phố, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc và Tham Lương-Bến Cát giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường vừa có chỉ đạo, giao Sở Xây dựng rà soát về hiện trạng quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước và kết quả lựa chọn đơn vị chuẩn bị dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải phía tây thành phố; trong đó bảo đảm dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải đồng bộ với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương-Bến Cát đã đầu tư xây dựng.