“Cha cõng con” quảng bá tại Mỹ qua Liên hoan phim Quốc tế Boston

NDO -

NDĐT - Phim "Cha cõng con" (tựa tiếng Anh: Father and Son) của đạo diễn Lương Đình Dũng mới được ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Boston (BIFF) lần thứ 15 lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh tài cùng nhiều tác phẩm điện ảnh ngoại khác.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và dàn diễn viên nhí trong phim "Cha cõng con".
Đạo diễn Lương Đình Dũng và dàn diễn viên nhí trong phim "Cha cõng con".

Đây là sự kiện điện ảnh thường niên lần thứ 15 của Boston, với sự tham gia của nhiều bộ phim dài, phim ngắn đến từ khắp nơi trên thế giới. BIFF là một Liên hoan phim độc lập uy tín của nước Mỹ.

Theo ban tổ chức, các tác phẩm trình chiếu năm nay được tuyển chọn nghiêm ngặt từ 3.281 phim gửi đến. Những bộ phim trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Boston sẽ cùng nhau tranh tài ở 17 hạng mục. Mỗi hạng mục sẽ có ba giải được trao, cũng như cúp lưu niệm dành cho những cá nhân xuất sắc tham dự BIFF.

Theo kế hoạch, Liên hoan phim Quốc tế Boston năm nay sẽ diễn ra trong năm ngày, từ 13 tới 17-4.

Chia sẻ về niềm vui đầu năm này, đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ “Liên hoan phim Quốc tế Boston là một trong những sự kiện điện ảnh rất lớn mà "Cha cõng con" có vinh dự tham gia kể từ lúc bộ phim hoàn thành. Tôi không thực sự nghĩ ban tổ chức sẽ chọn lựa đứa con tinh thần của mình. Do đó, tôi cảm thấy bất ngờ và rất vui khi nay có cơ hội quảng bá "Cha cõng con" tới khán giả nước Mỹ. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khán giả Việt Nam sẽ sớm được thưởng thức bộ phim ngoài rạp trong giữa năm nay”.

Trước "Cha cõng con", năm 2012, bộ phim "Chạm" của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh, xoay quanh chuyện một anh thợ sửa xe và một cô gái làm móng tay sống tại Mỹ, từng có buổi ra mắt tại sự kiện tương tự và sau đó được ban tổ chức trao giải Quay phim xuất sắc.

"Cha cõng con" (Father and Son) được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên viết năm 1995 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Chuyện phim kể về cậu bé Cá luôn mơ ước được chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời, và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông. Nhưng Cá không còn đủ thời gian, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...