“Cha cõng con”: Câu chuyện nhân văn về tình phụ tử

NDO -

NDĐT – Cuộc sống thiên nhiên khắc nghiệt của người dân ở ngọn nguồn thác lũ, cùng với câu chuyện buồn lấy nhiều nước mắt về tình cha con khiến cho “Cha cõng con” trở thành một tác phẩm điện ảnh dung dị, thân thương nhưng nhiều cảm xúc day dứt. Đây là bộ phim nghệ thuật đang được khán giả rất chờ đợi khi chính thức ra mắt khán giả vào ngày 5-4 tới đây.

“Cha cõng con”: Câu chuyện nhân văn về tình phụ tử

Vậy là sau khi “Cha cõng con” đến với nhiều liên hoan phim quốc tế, bộ phim nghệ thuật này đã có buổi công chiếu đầu tiên tại Hà Nội trước khi chính thức ra mắt khán giả cả nước vào ngày 5-4. Như những gì mà đạo diễn Lương Đình Dũng từng tiết lộ cầm chừng, phim đã kể một câu chuyện hồn nhiên nhưng đeo nặng cảm xúc về cuộc sống “gà trống nuôi con” của hai cha con bé Cá với tất cả sự mộc mạc nhất.

Với một khao khát phim được khán giả biết tới và ủng hộ, cha đẻ của “Cha cõng con” không ngại chi khoản tiền lớn cho bộ phim nghệ thuật đầu tay của mình. Anh nói, phim dù không có dàn sao để hút khán giả nhưng được đầu tư tới 18 tỷ đồng với gần 80 ngày quay phim. Trong đó, có rất nhiều cảnh phim phải quay đi, quay lại cho tới khi anh ưng ý mới thôi. Phim là một câu chuyện giản dị nhưng có thể lay động hàng triệu trái tim bởi giấc mơ trẻ thơ đẹp bất tận trong tâm hồn, bởi tình yêu vô bờ bến của người cha mà không từ ngữ nào có thể diễn tả.

Anh Ngô Thế Quân và bé Nguyễn Trọng Tấn đã thật sự rất tròn vai. Sự chân thật của họ, sự tươi mới trong diễn xuất của người ngoại đạo khiến cho từng trường đoạn cảm xúc dễ reo rắc vào lòng người tựa như hơi thở cuộc sống. Ở đó, hiện thực của cuộc sống gà trống nuôi con; hiện thực của cuộc sống người dân ở ven sông luôn tay gậy, tay bị chạy lũ đầu nguồn; hiện thực của những mất mát, chia ly; và hiện thực của những khao khát được “chạm” tới cuộc sống đô thị… của những đứa trẻ vùng lũ… được Lương Đình Dũng cài cắm rất khéo.

“Cha cõng con”: Câu chuyện nhân văn về tình phụ tử ảnh 1

Đoàn phim "Cha cõng con" tại lễ ra mắt phim diễn ra tối 30-3.

Dưới con mắt của nhà quay phim Lý Thái Dũng cùng những khuôn hình được chắt lọc, cảnh sắc Hà Giang đỉnh đồi Minh Ngọc - Bắc Mê và dòng sông Gâm khu vực thác Núi đổ mang một vẻ đẹp khác. Dữ dội, khắc nghiệt nhưng có lúc cũng đẹp dung dị, buồn man mác như một bức tranh trầm mặc.

Tối qua, trong lễ ra mắt phim, dù sức khỏe không tốt và đang trong lịch trình dày đặc nhưng vị nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Lee Dong-Jun (người đảm nhận phần âm nhạc cho phim) vẫn bay sang Việt Nam để dự buổi ra mắt thảm đỏ và chiếu phim. Phần nhạc trong phim cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.

Anh Lee Dong Jun tiết lộ “Tôi vô cùng cảm động trước thiên nhiên và con người Vịệt Nam trong phim. Câu chuyện quá xúc động và không hề làm khó tôi khi tìm ra một thứ âm nhạc phù hợp với phim, dù đây là lần đầu tiên tôi làm nhạc cho một phim Việt Nam”. Lee Dong Jun hy vọng nhạc phim góp phần làm nên thành công cho tác phẩm đậm chất nhân văn và duy mỹ của Lương Đình Dũng, đồng thời bày tỏ sự hồi hộp về phản ứng của khán giả Việt Nam với bộ phim này.

Nhân vật đáng chú ý nhất tại lễ ra mắt, chính là bé Cá do cậu bé Nguyễn Trọng Tấn thủ vai. Mẹ Nguyễn Thị Ngọc tại Làng trẻ SOS của bé Tấn tiết lộ, mẹ của Tấn sinh em năm 42 tuổi và đã mất ngay sau khi em chào đời. Bà ngoại không đủ sức nuôi em, gửi vào làng trẻ từ khi em 15 tháng tuổi.

Tấn là cậu bé khó nuôi hơn so với nhiều đứa trẻ khác vì thường xuyên ốm đau. 11 tuổi, Tấn khá còi cọc. Mẹ Ngọc cho biết, Tấn có vẻ nhút nhát và ẩn mình hơn so với sự dạn dĩ của các bạn khác trong làng trẻ. Có lẽ một phần vì cậu tự biết mình thiệt thòi hơn so với các bạn bè trong làng, khi bà ngoại từ ngày gửi bé vào thăm rất ít, bác ruột (anh trai mẹ) cũng mất sớm.

Vượt qua tám bạn nhỏ khác để có vai diễn trong “Cha cõng con”, Tấn đã có thời gian 77 ngày trải nghiệm cuộc sống ngoài cánh cửa Làng trẻ SOS. Vốn là đứa trẻ sống nội tâm, cậu bé 11 tuổi này đã khóc mất nửa tháng vì nhớ đoàn phim sau khi trở về với cuộc sống thường nhật. Ngay cả trước đêm ra mắt phim, cậu bé này cũng đã có một đêm gần như thao thức tới mất ngủ.

Vẻ mặt tuy nhút nhát nhưng đôi mắt luôn ánh lên đầy khao khát, Tấn có lẽ cũng như bốn bạn nhỏ sống trong Làng trẻ SOS, đều ao ước mình có một người cha đủ đầy yêu thương và vỗ về tuổi thơ như bé Cá trong phim. Và những gì cậu bé diễn xuất, có lẽ, là bằng tất cả sự tưởng tượng trong trẻo, mộc mạc nhất về tình phụ tử mà cậu chưa từng nếm trải trong cuộc đời.

Chẳng tham vọng phim sẽ bù lỗ cho những khoản đầu tư lớn, đạo diễn Lương Đình Dũng hồ hởi khoe sau buổi chiếu, phim vừa tiếp tục được đề cử hàng loạt hạng mục (đạo diễn, kịch bản, quay phim, diễn viên, nhạc phim, bộ phim xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Quốc tế Milano lần thứ 17 (Milano International Film festival) sẽ diễn ra ngày mùng 5-5 tại Italy. Phim của anh được được đánh giá cao trong sáng tạo và cách kể chuyện phim. Giải thưởng MIFF là một sự đổi mới kết hợp giữa Liên hoan phim truyền thống và các hình thức lễ trao giải thông thường. Giải thưởng MIFF là sự kiện duy nhất trên thế giới đề cập đến các quy tắc của Học viện Motion Pictures với "đề cử" cho những bộ phim mới và chưa được phát hành.

“Cha cõng con” đã tham dự và được chọn trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 tại Mỹ (Arizona International Film Festival); Liên Hoan phim Châu Á Thái Bình Dương Châu Mỹ La Tinh lần thứ 17 (DC Asian Pacific American Film Festival); Liên hoan phim Quốc Tế Julien Dubuque lần thứ 6 (Julien Dubuque International Film Festival); Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương Los Angeles lần thứ 33; Liên hoan phim Quốc tế Houston lần thứ 50 và Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15.