Cay quá, gừng ơi!

"Gừng đây cô bác ơi, một ký mười ngàn"… Lời rao của ông bán gừng dạo làm tôi liên tưởng đến vùng trồng gừng ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Năm trước, cũng vào thời gian này, thương lái vào tận rẫy của nhà nông, mua mỗi héc-ta gừng hơn 1,2 tỷ đồng. Tính ra, một ki-lô-gam gừng có giá hơn 20 nghìn đồng. Trúng giá, chắc năm nay nhà nông Thới Bình “làm ăn” lớn…

Thương lái vào tận rẫy thu mua gừng của các hộ dân xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình (Cà Mau).
Thương lái vào tận rẫy thu mua gừng của các hộ dân xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình (Cà Mau).

Cả huyện mất mùa

Bây giờ, từ TP Cà Mau về huyện Thới Bình, đi tắt theo tuyến lộ nhựa Xuyên Á, chỉ mất nửa giờ. Con lộ ấy nối tới tỉnh Kiên Giang, còn gọi là đường hành lang ven biển phía nam, xẻ dọc Biển Bạch Đông, xã gần trung tâm huyện Thới Bình, cũng là nơi có diện tích trồng gừng lớn nhất ở huyện. Tháng 12 năm ngoái, Bí thư xã đoàn Biển Bạch Đông Nguyễn Phi Thoàn, dẫn tôi vào thực tế mô hình tự phát trồng gừng ở ấp Sáu La Cua. Vụ gừng ấy, các chủ hộ Út Quế, Năm Được, Đỗ Văn Chiến, Trần Thanh Dân… đếm tiền mỏi tay. Dù lỗ nặng với cây mía nhưng những luống gừng sau nhà của các ông “trồng chơi ăn thiệt”, khi trúng cả mùa lẫn giá. Sau vụ thu hoạch năm 2014, có người thu lời hơn tỷ đồng, tên tuổi “nổi như cồn”. Còn vụ này, gừng của các ông đang xanh um bỗng dưng úa lá, èo uột, tiếng tăm người hốt bạc tỷ nhờ củ gừng cũng “chìm” theo.

"Sau lần gặp hên như “trúng số độc đắc” ấy, mấy chú trồng đậm. Nhưng gừng bị bệnh, lỗ nặng" - Anh Nguyễn Phi Thoàn nói.

Anh Thoàn giờ đã là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối kinh tế, vẫn xông xáo, nhanh nhẹn như hồi còn là thủ lĩnh đoàn xã. Bơi xuồng ba lá, len lỏi qua nhiều rẫy mía còn non tuổi, chừng mười phút tới khu rẫy của anh Võ Văn Minh, ở ấp Sáu La Cua, anh Thoàn nói: “Anh Minh trồng 1,5 công gừng, thuê nhân công thu hoạch sớm để "trốn" bệnh”.

Mặt trời đứng bóng. Nhóm người làm thuê đội nón lá, hì hục bứng từng bụi gừng, chất thành những đống to giữa rẫy. Những người thu hoạch thuê được trả công một triệu đồng mỗi tấn gừng. Chị bé Tám, thu hoạch gừng thuê kêu tôi quay máy ảnh về phía anh Minh, gắng chụp cho được cái mặt buồn xo của chủ gừng. Chị nói, như không sợ ai buồn: “Ai thất mùa chứ tụi này vô mánh, có việc làm suốt ngày, đếm đầu tấn tính tiền”.

Chị bé Tám nói không sai. Anh Minh ngồi giám sát việc thu hoạch, mặt mày ủ rũ. Hỏi thăm mới biết, anh Minh đầu tư gần 30 triệu đồng cho 1,5 công gừng, ước thu về khoảng sáu tấn gừng củ nhưng bán mỗi ki-lô-gam với giá chỉ 5.500 đồng. Trừ tiền thuê nhân công thu hoạch, anh Minh bán hết được cỡ 26 triệu đồng. Cật lực cả năm trời, nhưng anh lỗ vốn bốn triệu, không buồn mới là lạ…!

Đầu khu rẫy, nhóm làm công khác bỏ những củ gừng đã rửa sạch vô bọc ni-lông, chất xuống xuồng ba lá chở thẳng vô nhà. Nơi ấy, vợ anh Minh giám sát việc cân gừng cho ông Võ Văn Vui, một thương lái mua củ gừng ở Chợ Huyện Sử (Thới Bình). Tên Vui mà nét mặt hổng vui. Năm trước bán được giá cao, chủ rẫy lời nhiều, còn vụ này, như lời ông Vui chia sẻ: “Hộ nào bán gừng cũng than lỗ. Buồn thiệt…!”.

Bán gừng non cắt lỗ

Người xưa nói "gừng càng già càng cay”, nhưng ở ấp Sáu La Cua, gừng bị “bán non” khi chưa kịp cay. Muốn khác hơn cũng không được, vì đại dịch vi-rút gây thối củ đang hoành hành. Cơ quan chức năng sở tại chưa có thuốc đặc trị. Một khi bệnh bùng phát sẽ lây lan nhanh ra các luống gừng trên cùng diện tích còn lại. Vì vậy, chính quyền địa phương khuyến cáo nên thu hoạch gừng càng sớm càng tốt. Gừng nhà anh Minh là một trong những trường hợp như vậy. Lỗ nhẹ như anh vẫn còn may mắn. Gần đó, ông ba Khảnh (Võ Văn Khảnh, cùng ấp), trồng gừng lỗ cả trăm triệu đồng.

Đưa tôi ra tận khu rẫy gừng chờ “khai tử” sau nhà, ông Ba cho biết, năm trước, thấy nhiều hộ cùng ấp lời bạc tỷ nhờ trồng gừng nên ông lén vợ, thuê bảy công đất gần nhà trồng gừng. Tổng số vốn ông đã đầu tư gần 180 triệu đồng (tính cả tiền thuê đất 49 triệu đồng). Nếu thuận lợi thì giữa tháng 12 này, gừng nhà ông đủ tuổi, mỗi công đất thu hoạch bảy đến tám tấn. Ngặt nỗi, mới giữa tháng 10, đang xanh um thì gừng bỗng dưng héo lá. Bứng lên coi thử, ông ba Khảnh phát hiện củ gừng bị thối. Dù đã mua nhiều loại thuốc về chữa, nhưng bệnh thối củ không thuyên giảm mà còn lây sang nhiều luống gừng kế cận. Ông Ba buộc phải thu hoạch trước năm công gừng non, tổng thu chỉ được hơn bảy tấn, bán được hơn 35 triệu đồng. Hai công gừng còn lại, giờ cũng bị bệnh thối củ. Mấy ngày liền, ông Ba gọi thương lái nhưng chẳng ai vào ngã giá.

Gặp hên vụ gừng năm 2014 nên năm nay, nhiều nông hộ ở Thới Bình phá bỏ diện tích cây mía, tự chuyển đổi qua trồng gừng. Nhiều nhất là ở xã Biển Bạch Đông, 108 ha. Riêng tại ấp Sáu La Cua, từ 22 ha gừng vụ trước nay tăng lên 62 ha. Đến nay, khoảng 60% diện tích gừng ở Thới Bình đã thu hoạch, nhưng phần lớn nông dân lỗ vốn vì gừng bị bệnh, giảm năng suất, giá rẻ.

Gừng bị bệnh thối củ, ngoài yếu tố khách quan, ông Thoàn nghi ngờ do người trồng chưa cân đối được liều lượng giữa các loại phân bón kích thích cho gừng. Trong khi đó, nhà nông nghi ngờ chất lượng gừng giống. Bởi phần lớn nhà nông mua lại gừng giống từ những người mình bán gừng, nhưng giống ấy xuất xứ từ đâu thì phần đông không ai rõ. Như lời ông Lê Hoàng Phong, hộ có 2,5 công gừng vừa thu hoạch ở ấp Sáu La Cua: “Họ mua gừng, chở đi tiêu thụ ở đâu và bán cho ai chỉ có trời mới biết. Hổng lẽ họ trữ lại rồi bán gừng giống giá cao cho tụi tui”.

“Quả đắng” từ canh tác tự phát

Thới Bình có tiềm năng đất đai, nhưng hơn chục năm qua, canh tác mô hình nào bền vững, sản phẩm nào có đầu ra, giá cả ổn định… vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời. Có lúc, dân Thới Bình đổ xô qua trồng mía. Trúng được thời gian đầu nhưng rồi giá sụt giảm triền miên. Bà con lại bỏ mía chuyển qua mô hình khác. Giờ thì tới cây gừng lấy củ, “bán non” khi chưa kịp già. Vòng luẩn quẩn “chặt - đốn”, tìm chỗ đứng cho loài cây bám trụ trên đồng đất Thới Bình sao quá gian nan, trở thành nỗi lo và gánh nặng cho nhà nông địa phương. Những nông dân miền quê chân chất ấy đang mong chờ cơ quan chức năng và chính quyền sở tại định hình quy hoạch sản xuất mang tính dài hơi, nhất là gắn kết được “bốn nhà”, để việc sản xuất bớt rủi ro.

Đồng chí Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thừa nhận, thời gian qua, người dân “tự bơi” trong sản xuất, khiến đầu ra nông sản bấp bênh có một phần lỗi và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Để chấm dứt tình trạng trên, đồng chí cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các ngành chức năng, nhất là Tổ liên ngành 249 do UBND tỉnh thành lập, rà soát lại các vùng sản xuất. Qua đó sẽ đề xuất với Chính phủ có sự điều chỉnh, quy hoạch lại vùng sản xuất cho phù hợp. Những vùng nào sản xuất ổn định, có hiệu quả, lãnh đạo huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn vận động nhân dân cố gắng duy trì. Chứ để mặc bà con chạy theo lợi nhuận trước mắt thì sản xuất thiếu bền vững. Như vụ mía 2015, tuy toàn huyện Thới Bình chỉ còn ngoài 700 ha (giảm hơn 1.000 ha mía so với năm 2014) nhưng những hộ giữ mía giờ lại có hiệu quả, giá cả ổn hơn năm trước rất nhiều - ông Vững nói.

Câu chuyện mía ngọt, gừng cay, trúng mùa, thất mùa tôm sú quảng canh, với người nông dân miệt này chưa hồi nào hết lo toan. Làm lớn bao nhiêu cho đủ, rồi bán cho ai, mắc rẻ thế nào, tự sản tự tiêu đến bao giờ mới làm giàu được trên những công vườn, công ruộng của mình... vẫn là câu hỏi cần lời giải.