Hơn 30 năm qua, mô hình trồng và phát triển cây dược liệu an toàn, phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu do Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền trung triển khai đã thu hút hàng trăm hộ dân tại TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa và Phú Hòa và nhiều tỉnh lân cận với diện tích lên tới hàng trăm ha.
Chỉ mong có thêm đất trồng cây dược liệu
Nắng tại Phú Yên lên rất sớm. Từ 6 giờ sáng, những người dân Phú Hòa đã bắt đầu một ngày chăm sóc vườn dược liệu diệp hạ châu. 15 năm qua, người dân nơi đây có cơ hội có việc làm ổn định khi trồng diệp hạ châu với thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Vựa dược liệu diệp hạ châu do vợ chồng kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và Hoàng Xuân Lâm (Trung tâm nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền trung) gây dựng giờ đã tới 10 ha với sự tham gia của hàng chục hộ dân. Việc chuyển giao giống, kỹ thuật trồng và sơ chế do trung tâm đầu tư và nông dân tham gia mô hình theo tinh thần tự nguyện, tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn an toàn.
Mô hình này đã mang lại mức thu nhập cho người trồng khá cao, từ 150-160 triệu đồng/ha. Nhiều người dân có đất vườn, đất bồi ven sông Ba hồ hởi chuyển đổi canh tác rau màu để đăng ký trồng diệp hạ châu.
Ông Châu Văn Đồng (khu phố 3, phường Phú Thạnh), một trong những người tiên phong trồng dược liệu cho Trung tâm nói, gia đình ông ban đầu cũng đánh liều chuyển đổi canh tác. Nhưng sau vụ đầu tiên, gia đình ông đã quyết định gắn bó với diệp hạ châu. “So với trồng rau màu, lúa thì nhọc công chăm sóc, đầu tư vật tư phân thuốc nhiều, trong khi trồng diệp hạ châu chỉ cần tuân thủ đầy đủ quy trình theo hướng dẫn như làm đất kỹ, tưới nước nhẹ mỗi ngày, bón phân vi sinh đúng liều”, ông Đồng nói.
Chị Võ Thị Lệ khá nhàn nhã sau khi tưới xong vườn diệp hạ châu chia sẻ cho chúng tôi biết, 14 năm trước, cả ba hộ nhà chị đều quyết định trồng diệp hạ châu thay cho trồng lúa. Một năm, diệp hạ châu thu hoạch được 3-4 lứa sản phẩm, mỗi lứa được khoảng 700-800kg/sào, mang lại thu nhập trung bình mỗi lứa thu hoạch khoảng 10 triệu đồng. Gia đình chị cũng muốn tăng thêm thu nhập nhưng vì quỹ đất không có nên một mình chị đảm đương hai sào diệp hạ châu còn chồng đi làm nghề mộc.
Không đầu tắt, mặt tối lội xuống ruộng lúa, ông Châu Đình Á cho biết, cây diệp hạ châu đã mang lại cuộc sống sung túc hơn cho gia đình của ông. “Trong một vụ là ba tháng, một sào lúa thu hoạch cao nhất được 500 cân, được 2,5 triệu đồng, trong khi đó trồng diệp hạ châu chỉ 40-45 ngày, thu một tấn được nhiều tiền hơn hẳn. Nhưng nhà tôi cũng chỉ có hai sào nên có muốn tăng thêm thu nhập cũng chịu, không còn đất trồng nữa”, ông Châu Đình Á nói.
Ông Châu Đình Á chăm sóc vườn diệp hạ châu.
Mặc dù chịu sự cạnh tranh lớn của thị trường diệp hạ châu trên cả nước, nhưng điều duy nhất quyết định chỗ đứng sản phẩm này của trung tâm tại Phú Yên đó là sản phẩm sạch 100%. Tất cả quy trình từ giống cây đến chăm bón và thu hái, chiết xuất đều đạt tiêu chuẩn GACP-WHO và ISO 22000 với sự đồng hành của dự án BioTrade – dự án về phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ. Điều này đã thuyết phục được các nhà máy dược phẩm GMP-WHO, các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty dược liệu ký hợp đồng.
Nếu như tổng sản lượng thu mua diệp hạ châu tươi đã ký với nông dân là 150 tấn năm 2009 thì năm 2013 là 470 tấn và đến nay là khoảng 900 tấn. Cùng với quá trình phát triển gia tăng về diện tích trồng, sản lượng thì giá 1kg diệp hạ châu tươi cũng tăng từ 2.500 đồng/kg (năm 2009) lên 4.200 đồng/kg (năm 2015) khiến bà con nơi đây rất phấn khởi.
Có một khoảng thời gian năm 2016-2017, do Trung tâm Dược liệu miền trung không tìm được đầu ra cho sản phẩm, một nửa số gia đình tại đây phải phá bỏ vườn diệp hạ châu chuyển sang trồng rau. Tuy nhiên, với giá thị trường của rau xanh bấp bênh và nguồn mua không đều đặn, những người dân phường Phú Thạnh, Phú Hòa đứng ngồi không yên khi nhìn đất bỏ hoang. “Trồng lúa thì không quay lại trồng được, trồng rau thì bị thương lái ép giá, không thu mua, dễ bị dập do thời tiết thất thường. Chúng tôi rất lo diệp hạ châu sẽ không còn đường để tồn tại. Nhưng rất may năm 2017, đã có công ty thu mua diệp hạ châu, nên chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Giá mua đều, cây cho thu hoạch 4 vụ/năm nên chúng tôi cứ yên tâm mà canh tác”, ông Châu Đình Á hồ hởi nói.
Quyết tâm chinh phục thị trường nội địa
Từ một nơi chuyên trồng và sản xuất dược liệu, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền trung đã sắp xếp không gian hợp lý để trở thành điểm đến tham quan của du khách. Ngoài những vườn dược liệu đầy màu sắc, du khách có thể tham quan nơi sản xuất, phòng đợi xem phim tư liệu và dùng thử sản phẩm trực tiếp.
Không chỉ bảo đảm đầu ra cho người dân, cung cấp nguồn dược liệu sạch cho các nhà máy, Trung tâm cũng trực tiếp chiết xuất và sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu HerbEco và được coi là món quà đặc sản của tỉnh Phú Yên.
Riêng về diệp hạ châu, trung tâm có những sản phẩm lá, cao chiết, trà túi lọc… phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Hiện nay, dược liệu này đang được Trung tâm thương lượng với thị trường Nhật, Úc.
Kỹ sư Nguyễn Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Dược liệu miền trung nói, việc mở cửa này mục đích chính là muốn du khách biết về cây thuốc nam “made in Vietnam” thông qua dòng sản phẩm HerbEco dược liệu sạch 100%. “Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới nhưng dược liệu đạt chuẩn của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong nước khiến chúng tôi vẫn rất trăn trở”, kỹ sư Tuyết Anh nói.
Vợ chồng kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và Hoàng Xuân Lâm chăm sóc vườn ươm dược liệu.
Nữ kỹ sư dành trọn cuộc đời cho mảnh đất Phú Yên này luôn canh cánh trong lòng một nỗi băn khoăn, hiện nay các sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO không tìm được đường vào bệnh viện.
“Để đưa sản phẩm vào bệnh viện, chúng tôi sẽ phải thực hiện đấu thầu. Khi đó, chúng tôi sẽ rớt ngay vì giá. Với hàm lượng hoạt chất cao gấp năm bảy lần thị trường, giá đương nhiên sẽ phải cao gấp năm lần với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, dược liệu trôi nổi hầu hết xuất xứ Trung Quốc luôn có giá rẻ hơn, dẫn tới nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Thật sự, nếu không có chính sách ưu đãi cho cây thuốc đạt tiêu chuẩn GACP-WHO thì chúng tôi không thể cạnh tranh được”, kỹ sư Tuyết Anh chia sẻ tâm tư.