Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang.
Cây đa Tân Trào - Tiếng vọng từ quá khứ tới tương lai
NDO - Di tích lịch sử cây đa Tân Trào cùng với các di tích khác trong Chiến khu Tân Trào đã trở thành điểm du lịch tham quan và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đã trải qua 77 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng mỗi lần ghé thăm Tân Trào, mỗi người dân Việt Nam lại như được hòa vào không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử.
Toàn cảnh khu di tích cây đa Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đây là một trong những biểu tượng của người dân Tuyên Quang nói chung và cả nước nói riêng, gắn liền với năm tháng lịch sử hào hùng của quân và dân ta.
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào “Thủ đô Khu giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, đã được công nhận là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào với 177 di tích (18 di tích, cụm di tích là Di tích lịch sử quốc gia, và 30 Di tích lịch sử cấp tỉnh).
Trước đây, cây đa Tân Trào cành lá sum suê, gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10m, người dân địa phương thường gọi với cái tên dân dã là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Chính quyền địa phương đã chăm sóc, phục hồi, đến nay cây đa Tân Trào đã hồi sinh và sinh trưởng mạnh mẽ, xung quanh trồng thêm 6 cây đa con tượng trưng cho 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang.
Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc.
Đình Tân Trào – cách cây đa Tân Trào 500m về phía đông, là nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945.
Người dân cả nước ghé thăm đình Tân Trào chụp ảnh lại để lưu giữ những giá trị lịch sử đáng quý của Chiến khu Tân Trào năm xưa.
Đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng năm 1945.
Lán Nà Nưa do đơn vị giải phóng quân dựng để Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 5 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Cứ đến những ngày tháng 8 hàng năm người dân cả nước lại tìm đến thắp hương tưởng nhớ cũng như tìm hiểu thêm lịch sử về địa danh Cách mạng đặc biệt này.
Hàng năm, cứ tới gần dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, du khách cả nước lại tới thăm cụm di tích Tân Trào như một cách để tri ân quá khứ và có thêm động lực hướng tới tương lai.
Tiếng vọng từ quá khứ tại Tân Trào là hành trang quý giá để những thế hệ hôm nay có thêm động lực và niềm tin để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cảnh khu di tích cấp quốc gia được mệnh danh là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”.