Hoàn thiện những hạng mục cuối cùng
Dự án đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện được xếp vào danh sách công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản trị giá gần 12 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 1.800 tỷ đồng. Điểm nhấn của dự án là cầu vượt biển dài hơn 5,4 km, thiết kế vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, quy mô bốn làn xe, rộng 29,5 m và 9 m dải phân cách giữa (giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến mở rộng mặt đường thành sáu làn), khổ thông thuyền hai khoang rộng 100 m, cao 12 m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Ban Quản lý dự án (PMU) 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao làm đại diện chủ đầu tư, Liên danh các nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Trường Sơn - Cienco 4 (Việt Nam) trúng thầu xây lắp chính dự án.
Vào thời điểm nửa cuối tháng 8, khi chúng tôi đi khảo sát thực tế, xe ô-tô đã có thể chạy trên mặt cầu Tân Vũ - Lạch Huyện trải nhựa phẳng lỳ. Qua ảnh chụp từ trên cao, tuyến đường kẻ một đường thẳng tắp, nối liền từ quận Hải An, vượt qua biển đến đảo Cát Hải (TP Hải Phòng). Thật khó tưởng tượng một công trình với quy mô lớn, điều kiện thi công phức tạp, ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng được hoàn thành chỉ sau ba năm. Để thi công hạng mục chính, quan trọng nhất là cầu vượt biển, nhà thầu Sumitomo Mitsui đã hoàn thành đường công vụ lấn biển dài khoảng 4 km, sử dụng ống vải địa kỹ thuật, áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Ống vải địa kỹ thuật dài 150 m, đường kính khoảng 5 m ghép lại với nhau, khi bơm đầy cát sẽ trở thành một tuyến đê bao vững chãi, chống chịu tốt với sóng biển. Hiện nay, công trình đường ô-tô đã cơ bản hoàn thành, sau này khi đi vào khai thác, đường công vụ tiếp tục được tận dụng lấn biển để xây dựng hạ tầng cho các dự án chung quanh.
Công trình này cũng áp dụng nhiều công nghệ mới như vòng vây cọc ống thép để xây dựng móng, bệ trụ cầu; công nghệ lao lắp dầm toàn nhịp (SBS) thi công phần cầu dẫn phía Hải An dài khoảng 4,43 km, nối từng đốt dầm nhỏ với chiều dài chỉ 3 m thành dầm cầu dài hàng ki-lô-mét. Các phiến dầm nặng khoảng 80 tấn được đúc sẵn bên ngoài công trường, vận chuyển bằng xe đặc chủng siêu trường, siêu trọng. Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (PMU 2) Bùi Huy Kiểm cho biết: Nhà thầu thiết kế và sử dụng giàn lao lắp bằng thép nặng hơn 1.400 tấn di chuyển trên mặt cầu khớp nối các phiến dầm, có thể nâng một lúc 19 phiến dầm đúc sẵn. Các đốt dầm ghép nối, căng kéo bằng cáp dự ứng lực, cho phép kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Nhà thầu Sumitomo Mitsui đã hoàn thành xử lý 15 vị trí nối đốt dầm SBS có hiện tượng thấm nước bằng phương pháp bơm keo để làm kín khít và vệ sinh thoát nước trong lòng dầm hộp. Đoạn đường dẫn phía đảo Cát Hải có một số vị trí lớp cấp phối đá dăm bị phân tầng đã được cào bóc, thay thế, phần mái ta-luy đã được lu lèn chặt và sẽ tiếp tục theo dõi đến khi thông xe.
Đầu tư nút giao khác mức
Kỹ sư Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc PMU 2 nhận định: Giai đoạn trước mắt, tuyến đường sẽ kết nối với đường trục chính tây nam khu công nghiệp Đình Vũ (TP Hải Phòng) tại nút giao số 1 và đi ra điểm cuối của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Do nhu cầu cấp bách và để tăng hiệu quả của dự án, Chính phủ đã cho phép sử dụng phần vốn dự phòng còn lại để đầu tư nút giao Tân Vũ, nút giao khác mức kết nối dự án với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, giao Bộ GTVT quyết định việc ký bổ sung phụ lục hợp đồng với nhà thầu thi công triển khai nút giao này. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã bắt đầu tiếp nhận, dọn dẹp mặt bằng thi công, dự kiến, sẽ hoàn thành nút giao vào quý IV-2018, bảo đảm hoàn thành đồng thời với dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Theo lãnh đạo TP Hải Phòng, công trình này sẽ góp phần phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, nhằm đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển kinh tế biển. Công trình vượt biển này chính là ước mơ bao đời nay của hàng nghìn người dân sống trên đảo Cát Hải. Ngay khi đưa vào khai thác đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện, bến phà hiện tại kết nối quận Hải An và đảo Cát Hải sẽ được thay thế. Thay vì mất 45 phút di chuyển bằng phà, phương tiện có thể dễ dàng đi sang đảo Cát Hải, từ đó mất thêm 15 phút đi phà sang đảo Cát Bà.
Nhờ kết nối giao thông thuận lợi, TP Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch phát triển khu công nghiệp Đình Vũ với các dự án lấn biển để mở rộng mặt bằng. Đảo Cát Hải được định hướng trở thành đô thị cảng để phục vụ cho cảng Lạch Huyện, cảng nước sâu lớn nhất cả nước, cửa ngõ thông thương đường biển với quốc tế. Khi tuyến đường hoàn thành, sẽ không chỉ phá thế cô lập cho huyện đảo Cát Hải, mà còn giúp nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng - trạm trung chuyển hàng hóa cho Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Nếu không có dự án này, cảng Lạch Huyện sẽ không phát huy được hiệu quả với vai trò cảng nước sâu, trung chuyển quốc tế. Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ khớp nối hoàn hảo cho các công trình giao thông lớn và hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, gắn liền các khu vực kinh tế đang phát triển tại phía đông thành phố cảng. Ngay khi đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện chuẩn bị thông xe, một dự án đầy tham vọng, xây dựng tuyến đường và cầu song song với đường hiện tại đã được khởi động. Điều này bảo đảm cho định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đi trước một bước, bắt nhịp nhu cầu vận tải dự báo sẽ tăng cao khi các công trình giao thông trọng điểm này được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Công trình đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện đưa vào khai thác, cùng một loạt các dự án lớn được khai thác đồng bộ sẽ giúp Hải Phòng phát triển vượt bậc, trở thành “đầu tàu” kinh tế khu vực miền bắc. Chỉ một năm nữa, Cảng cửa ngõ Lạch Huyện sẽ đón những con tàu trọng tải hàng trăm nghìn tấn từ khắp thế giới, tiễn những con tàu cỡ lớn của Việt Nam đến với bè bạn năm châu, thỏa mãn niềm khát khao vươn ra biển lớn.