Cấp cứu kịp thời giữ đôi chân cho người bệnh bị tắc động mạch chi cấp

NDO -

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam bị tắc động mạch chi cấp tính nặng có nguy cơ phải cắt cụt thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.

Các bác sĩ hội chẩn trước khi tiến hành ca phẫu thuật.
Các bác sĩ hội chẩn trước khi tiến hành ca phẫu thuật.

Bệnh nhân H.M.Y (54 tuổi, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có triệu chứng chân phải đau liên tục tăng dần, lạnh, tê bì nhiều và giảm các giác ở bàn chân. 

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, các bác sĩ xác định đây là trường hợp tắc động mạch chi cấp tính nặng có nguy cơ hoại tử phải cắt cụt chân. Ngay lập tức người bệnh được chuyển lên Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. Nhưng do gia đình quá nghèo nên các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cùng nhau đóng góp hỗ trợ người bệnh chuyến xe cấp cứu lên Hà Nội.

Lúc nhập viện cấp cứu ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, chân phải của người bệnh đã ở trong tình trạng có sưng nề và tím lạnh nhiều ở vùng cẳng và bàn chân kèm theo bắp chân có triệu chứng căng nhẹ, ấn đau, giảm vận động và cảm giác.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận ông Y bị thiếu máu chân cấp tính do huyết khối tắc hoàn toàn động mạch đùi, khoeo và cẳng chân phải do xơ vữa mạch máu và tình trạng tăng đông máu hình thành nên huyết khối. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Tuy nhiên, người bệnh quá nghèo, không có tiền đóng viện phí nhưng trước sự an nguy đe dọa tính mạng người bệnh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa hội chẩn khẩn cấp và xin ý kiến chỉ đạo của TS,BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E.

TS Nguyễn Công Hựu là người trực tiếp tiến hành ca mổ này ngay trong đêm với mục tiêu phục hồi lưu thông mạch máu để bảo tồn tối đa chân của bệnh nhân, tránh nguy cơ cắt cụt ảnh hưởng cả cuộc sống sau này.

ThS,BS Đoàn Văn Nghĩa, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E – thành viên tham gia ca mổ, cho biết, ca phẫu thuật đầu tiên kéo dài khoảng 1 giờ. Sau khi phẫu tích bộc lộ động mạch và mở ra, đánh giá tình trạng mạch xơ vữa và viêm dày nhiều, huyết khối lấp đầy lòng mạch.

Ê-kíp phẫu thuật đã dùng ống thông chuyên dụng lấy ra rất nhiều huyết khối cũ và mới từ động mạch đùi đến cẳng chân là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu chi của bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân vẫn còn đau nhiều phần cẳng bàn chân và khi chụp mạch máu kiểm tra lại, kết quả mạch máu chân phải từ động mạch, chậu xuống động mạch đùi đã được tái thông.

Tuy nhiên, phần động mạch khoeo trở xuống mu bàn chân vẫn còn tắc nghẽn bởi huyết khối. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lần nữa để lấy hết huyết khối tránh nguy cơ phải cắt cụt chi của người bệnh sau này.

Để cẩn trọng hơn cho người bệnh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu, xác định, người bệnh mắc hội chứng kháng phospholipid. Đây là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo nhầm ra các kháng thể chống lại chính các tế bào lành trong cơ thể và tạo ra các kháng thể khiến máu bị đông lại. 

Cấp cứu kịp thời giữ đôi chân cho người bệnh bị tắc động mạch chi cấp -0
 Bệnh nhân giữ lại được chân không bị tàn phế.

Bác sĩ Nghĩa cho biết, khó khăn của ca phẫu thuật này chính là do người bệnh nhập viện trong tình trạng muộn, xuất hiện nguy cơ hoại tử do thiếu máu ở phần mu chân bên phải. Người bệnh đã có tình trạng xơ vữa mạch kèm theo căn bệnh tự miễn nguy hiểm nên trong quá trình phẫu tích bộc lộ mạch máu viêm dính.

Trong trường hợp này, các phẫu thuật viên cần phải có trình độ chuyên môn thành thạo và sự khéo léo để tiến hành lấy toàn bộ huyết khối cũ và mới, giảm nguy cơ biến chứng nhằm tái thông hoàn toàn cho người bệnh.

Để tiến hành ca mổ thuận lợi, cán bộ y tế của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện E kết nối các nhà hảo tâm tìm kiếm kinh phí cho ca phẫu thuật này. Đáng mừng, nhóm Từ Tâm – một nhóm từ thiện gắn bó lâu năm với các người bệnh nghèo của Bệnh viện E đã sẵn lòng hỗ trợ cho ông Y 20 triệu đồng tiến hành ca phẫu thuật.

Theo các bác sĩ, tắc động mạch chi cấp tính xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa, dị vật… Hậu quả của tình trạng thiếu máu nuôi này không được giải quyết kịp thời thì phần chi sẽ bị hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, các triệu chứng ban đầu của tắc động mạch chi cấp tính dễ lầm lẫn với căn bệnh khác như xương khớp, thoái vị đĩa đệm… nên người bệnh thường chủ quan, bỏ sót hoặc chậm trễ đi khám.

Các triệu chứng thường gặp của tắc động mạch chi cấp tính là đau (xảy ra đột ngột, dữ dội ở chi bị tắc mạch); dị cảm (cảm giác tê bì, kiến bò vùng da chi bị tắc mạch, nặng hơn là mất cảm giác); chi lạnh và tái nhợt, một số trường hợp nặng có thể tím chi. Ngoài ra là các triệu chứng như mất mạch chi ở phí dưới chỗ tắc; cử động các ngón sẽ yếu, thậm chí liệt hoàn toàn…

Những người có nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính là người có bệnh lý tim mạch từ trước như rung nhĩ, hẹp van 2 lá, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, u nhầy nhĩ trái, phình động mạch, xơ vữa động mạch, viêm mạch máu… hoặc người mắc các bệnh lý tăng đông máu như đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, ung thư, đái tháo đường, tăng lipid máu, hút thuốc lá và từ 50 tuổi trở lên…

Do đó, khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mạch máu, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.