Nói về tiến độ của dự án này, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến nay, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản hoàn thành 39 cầu trên tuyến chính, với tổng chiều dài 6,7 km; mặt đường được bê-tông nhựa 1,4/51,5 km và mặt đường cấp phối đá dăm 3,2/45 km. Công tác giải phóng mặt bằng được giải ngân hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Chủ đầu tư giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang để chi trả công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục bổ sung khoảng 131 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang để chi trả các hạng mục cầu vượt, đường gom… hơn 278,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề ra các giai đoạn hoàn thành các hạng mục trong năm 2021 như: ngày 18-8, hoàn thành thi công nền/móng mặt đường; 25-8, hoàn thành thảm bê-tông nhựa lớp đá cấp phối gia cố nhựa (ATB); ngày 2-9, thông xe kỹ thuật dự án; ngày 20-10, hoàn thành thi công phần cầu; ngày 21-11, hoàn thành thi công, lắp đặt thiết bị trạm thu phí; ngày 30-11, hoàn thành dự án, hoàn thành thảm bê-tông nhựa C19, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng.
Trước những khó khăn mà dự án đang gặp phải, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất tiến độ điều chỉnh dự án để chủ đầu tư triển khai thực hiện. Dự án đi qua vùng địa chất yếu nên mặt đường giai đoạn hoàn thành (30-11-2021) kiến nghị chỉ làm đến lớp bê-tông nhựa C19. Sau khi khai thác một năm sẽ kiểm tra, đánh giá thảm hoàn thiện lớp bê-tông nhựa polyme C12.5.
"Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vẫn chưa được cấp có thẩm quyền (Bộ GTVT) xác định thời gian thu phí. Vấn đề này ảnh hưởng đến việc thu phí hoàn vốn cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp chủ đầu tư báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có phương án thu phí đồng bộ từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận…”, ông Hoàng cho biết.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất đầu tư các hạng mục đường công vụ ngoại tuyến và hạng mục trạm dừng nghỉ, cây xanh tạo cảnh quan từ nguồn dự phòng…
Tại buổi gặp Ban Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 1-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho rằng: Qua kiểm tra thực tế, khối lượng đã hoàn thành dự án đạt 70-75%. Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước ghi nhận dự án bảo đảm ổn định gần 62%. Chúng ta còn hai gói thầu chưa mở được đó là: Trạm thu phí và hệ thống an toàn giao thông. Ngoài ra, một số công trình phụ trợ như: cầu vượt, đường gom… triển khai còn khá chậm. Khối lượng công việc còn lại để nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 30-11-2021, chủ đầu tư phải có kế hoạch và giải pháp rõ ràng. Việc dự án triển khai gặp khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ và cùng thống nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo tin thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 4-1-2021.
Kết luận buổi làm việc với Ban Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra ngày 1-4, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II-2021. Việc dự án gặp khó khăn, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ ủng hộ để nhà đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ gia hạn thêm thời gian. Nếu Thủ tướng Chính phủ không đồng ý, tỉnh Tiền Giang buộc phải căn cứ vào hợp đồng”.