Đây là dự án nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của dự án nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác lúa gắn với giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Dự án gồm các hoạt động, như: Ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến trên mô hình ruộng thực nghiệm, giảm các vật tư đầu vào đồng thời kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường; nâng cao năng lực và kiến thức canh tác bền vững cho người nông dân thông qua các chương trình tập huấn; thúc đẩy hợp tác công tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Nông dân tham quan thực nghiệm mô hình canh tác lúa thông minh. |
Kết quả cho thấy, các mô hình triển khai đã cho hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức bón phân tối ưu kết hợp tưới tiêu hợp lý và ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác lúa thông minh, phát thải thấp.
Mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm 2,5-3,0 lần lượng giống gieo sạ (60 kg giống/ha so với tập quán nhà nông 150-180kg/ha); giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110 m3/ha/cây); giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7%; giảm 1,5-4,0 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Hiệu quả kinh tế tăng 13,1-54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.
Dự án còn đào tạo, tập huấn cho hơn 4.500 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.