Cảnh sát Indonesia: Không có lệnh sử dụng hơi cay trong vụ bạo loạn sân cỏ ở Đông Java

NDO - Ủy ban Cảnh sát quốc gia Indonesia (Kompolnas) ngày 4/10 khẳng định, đã không có lệnh trực tiếp nào từ Cảnh sát trưởng thành phố Malang về việc bắn hơi cay vào đám đông cổ động viên trong sân vận động Kanjuruhan, tỉnh Đông Java, nơi vừa có vụ bạo loạn sân cỏ nghiêm trọng khiến ít nhất 125 người thiệt mạng đêm 1/10 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay lên khán đài trong cuộc bạo loạn sau trận đấu giữa Arema và Persebaya tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, tỉnh Đông Java, Indonesia, ngày 2/10/2022. (Ảnh: Antara Foto/Reuters)
Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay lên khán đài trong cuộc bạo loạn sau trận đấu giữa Arema và Persebaya tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, tỉnh Đông Java, Indonesia, ngày 2/10/2022. (Ảnh: Antara Foto/Reuters)

Thông tin với báo giới chiều 4/10, Ủy viên Ủy ban Kompolnas, ông Albertus Wahyurudhanto cho biết, cơ quan này đã được xác nhận trực tiếp từ Cảnh sát trưởng Malang rằng không có bất kỳ yêu cầu nào từ người đứng đầu cảnh sát địa phương liên quan đến việc sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.

Hàng trăm khán giả đã bị dẫm đạp khi cố gắng thoát khỏi sân vận động Kanjuruhan, sau khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán những người hâm mộ quá khích của đội chủ nhà Arema FC đang tràn xuống sân gây rối, theo sau kết quả thua 2-3 của đội bóng này trước đối thủ Persebaya Surabaya.

“Hơi cay đáng lẽ ra phải được bắn ra bên ngoài sân chứ không phải về phía khán giả… Chúng tôi cho rằng đã có những vi phạm trong lực lượng an ninh trong quá trình thực thi nhiệm vụ”, ông Wahyurudhanto nói với các phóng viên, đồng thời cho biết Ủy ban Kompolnas sẽ chia sẻ những thông tin có được với nhóm điều tra độc lập của chính phủ.

Theo ông Wahyurudhanto, các biện pháp ngăn chặn bạo lực đã được cảnh sát Malang chuẩn bị trước trận đấu. Ngoài việc không được lệnh bắn hơi cay để giải tán đám đông, cảnh sát Malang cũng không chủ động khóa các lối ra/vào sân vận động Kanjuruhan.

Người hâm mộ của đội Persebaya Surabaya đã bị cấm vào sân theo dõi trận đấu vì lo ngại đụng độ với các cổ động viên đội chủ nhà. Vì vậy, hầu hết các nạn nhân thiệt mạng, bao gồm 33 trẻ vị thành niên, đều là người hâm mộ của câu lạc bộ Arema. Ngoài ra, có 323 người khác cũng bị thương trong thảm kịch này.

Cảnh sát Indonesia: Không có lệnh sử dụng hơi cay trong vụ bạo loạn sân cỏ ở Đông Java ảnh 1

Một ô-tô bị hư hỏng sau cuộc bạo động tại sân Kanjuruhan, thành phố Malang, tỉnh Đông Java, Indonesia, ngày 2/10/2022. (Ảnh: Antara Foto/Reuters)

Theo lời một số nhân chứng trong vụ việc, một số cổng ra vào sân vận động đã bị khóa trong trận đấu hôm thứ bảy tuần trước, khiến nhiều người hâm mộ bị mắc kẹt khi dồn về những cổng này để cố gắng thoát khỏi sân trong vụ bạo loạn. Thông tin từ y tế địa phương cho biết, một số nạn nhân đã thiệt mạng vì ngạt thở, trong khi một số người khác bị chấn thương vùng đầu.

"Chúng tôi đã được xác nhận từ Cảnh sát trưởng Malang rằng không có lệnh đóng cửa sân. Theo kế hoạch, 15 phút trước khi trận đấu kết thúc, cửa sân sẽ được mở, nhưng không hiểu tại sao các cửa ra vào lại bị khóa trong vụ bạo loạn", ông Wahyurudhanto nói.

Ngoài ra, cảnh sát Malang cũng đã chuẩn bị 2 xe bus thuộc Lữ đoàn Cảnh sát cơ động Đông Java để đội khách sử dụng khi đến thi đấu và rời sân Kanjuruhan.

Cũng theo ông Wahyurudhanto, xe đã được chuẩn bị để bảo đảm an ninh cho các cầu thủ và ban huấn luyện Persebaya, nhưng trên thực tế, xe chở đội Persebaya đã không thể ra khỏi sân vì bên ngoài quá đông.

Liên quan đến vụ việc, người phát ngôn cảnh sát Indonesia ngày 3/10 cho biết, hàng chục cảnh sát đã bị điều tra và ít nhất 9 người đã bị đình chỉ công tác.

Cũng trong ngày 4/10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, ông Mahfud MD cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu nhóm điều tra độc lập của chính phủ về sự cố tại Kanjuruhan hoàn tất công tác điều tra trong vòng 1 tháng.

Ông Mahfud MD, cũng là người đứng đầu nhóm điều tra gồm 13 thành viên, thông tin, có một số khía cạnh cần được điều tra kỹ liên quan đến các tình tiết trong vụ việc, trong đó có quyết định tổ chức trận đấu vào ban đêm, bất chấp đề nghị dời trận đấu sang buổi chiều hoặc buổi tối.

"Chúng tôi sẽ điều tra xem ai là người đã quyết định thay đổi lịch thi đấu và những người khác có liên quan. Việc này đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều bên", ông nói.

Theo Bộ trưởng Mahfud MD, Bộ Thể thao và Thanh niên và Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) cũng có nhóm điều tra riêng được thành lập theo yêu cầu của tổng thống.

Cơ quan quản lý bóng đá nước này ngày 4/10 đã đưa ra án phạt cấm 2 quan chức của đội Arema tham gia các hoạt động bóng đá suốt đời. Câu lạc bộ này cũng bị phạt 250 triệu rupiah (16.398 USD) liên quan đến vụ bạo động.