Các lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, kiến thức để phòng tránh và đối phó với những trường hợp lừa đảo trên không gian mạng.
Trong tháng 6, trên địa bàn Hà Nội liên tục ghi nhận các trường hợp dùng công nghệ cao lừa đảo người dân nộp tiền vào tài khoản để chiếm đoạt. Đơn cử, ngày 22/6, nhân viên phòng giao dịch Việt Hưng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cùng Công an phường Đức Giang (quận Long Biên), đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo của đối tượng giả danh công an, gọi điện uy hiếp bắt ông T cùng vợ (cả hai đều ngoài 70 tuổi, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên) chuyển khoản ba tỷ đồng.
Trước đó, ngày 21/6, bà N (trú tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là cán bộ Công an tỉnh Bình Định, thông báo bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn và hướng dẫn bà N mở một tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản đó để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Rất may khi đến Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì để rút hơn 200 triệu đồng, nhân viên ngân hàng nhận thấy trạng thái tâm lý hoang mang của bà N cho nên đã nhanh chóng liên hệ với Công an huyện Ba Vì và kịp thời ngăn chặn vụ việc.
Theo các lực lượng chức năng, tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện đang có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn ngày một phức tạp. Không chỉ gọi điện giả danh công an, cán bộ tư pháp, y tế, ngân hàng để lừa đảo, bọn chúng còn đánh cắp tài khoản mạng xã hội, gọi điện có hình ảnh, giả làm người quen để vay tiền gấp; hoặc thủ đoạn lập sàn giao dịch ảo, gửi link để thanh toán trực tuyến, mạo danh công ty tài chính cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt diễn ra khá phổ biến...
Để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, Công an thành phố Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân qua hệ thống loa phát thanh, nhóm Zalo, Facebook phòng chống tội phạm trên địa bàn các xã, phường.
Các nội dung cảnh báo tội phạm cũng được lồng ghép trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng; trong đó, những người cao tuổi, người sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình được tập trung tuyên truyền, vì đây là nhóm người thường được đối tượng lừa đảo nhắm tới.
Công an thành phố khuyến cáo mỗi người dân nâng cao ý thức, kiến thức để phòng tránh và đối phó với những trường hợp lừa đảo trên không gian mạng. Biện pháp phòng tránh tốt nhất để không mắc bẫy của bọn lừa đảo là người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như “việc nhẹ, lương cao”, món hời giá rẻ…