Trong những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều quốc gia tiếp nhận tin tức không vui về tình hình dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10.000 ca tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận trong tháng cuối cùng của năm 2023. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 gia tăng trong tháng 12/2023 do các hoạt động tiếp xúc trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, mặc dù 10.000 ca tử vong một tháng là ít hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng con số này đã có thể thấp hơn nếu chúng ta có sự phòng ngừa.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, dòng phụ JN.1 của biến thể BA.2.86 gây Covid-19 đang chiếm khoảng 62% số ca mắc ở nước này. Dòng phụ JN.1 cũng là biến thể chủ đạo ở châu Âu và đang gia tăng mạnh ở châu Á.
Tại Italia, Viện Y tế quốc gia (ISS) cho biết, trong hai tuần cuối cùng của năm 2023, số ca mắc cúm và Covid-19 ở nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục. Theo đó, tỷ lệ mắc bệnh trong tuần cuối cùng của năm 2023 là 17,5 ca/1.000 dân và trong tuần trước đó là 17,7 ca/1.000 dân.
Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha cũng chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc cúm, Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác. Tình hình dịch Covid-19 tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan… diễn biến phức tạp, chủ yếu là do sự xuất hiện của biến thể JN.1.
CDC Mỹ nhận định, JN.1 có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác hoặc né tránh hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn các biến thể khác đang lưu hành. Thực tế cho thấy, JN.1 đã nhanh chóng thống trị ở nhiều quốc gia mà biến thể này được phát hiện. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thời gian qua ở mức cao còn do các hoạt động du lịch, tham quan, tiếp xúc tăng mạnh vào dịp nghỉ lễ. Thời điểm giao mùa cũng dễ khiến hệ miễn dịch suy giảm.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn đối với Covid-19, WHO kêu gọi cần duy trì các nỗ lực xét nghiệm, giải trình tự gien và báo cáo về dịch bệnh. Chính phủ nhiều nước như Hy Lạp, Singapore, Indonesia... hối thúc người dân đi tiêm phòng cúm và Covid-19. Bolivia khôi phục các biện pháp y tế nghiêm ngặt, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng trở lại tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn Tây Ban Nha để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sự hoành hành của đại dịch Covid-19 trong những năm qua cho thấy điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu, mà nổi bật là sự tiếp cận không công bằng về dịch vụ y tế. Những mất mát mà dịch bệnh này từng gây ra đã giúp thế giới nhận thức rõ về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, chia sẻ và hợp tác.
Gần đây, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất vaccine cho châu Phi, nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, vốn gây khó khăn cho châu lục này trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. GAVI cũng phê duyệt kế hoạch trị giá khoảng 290 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng định kỳ cho trẻ em - vốn bị gián đoạn do dịch bệnh, và quỹ ứng phó ban đầu trị giá 500 triệu USD giúp bảo đảm có kinh phí ngay lập tức để chủ động ứng phó trong trường hợp bùng phát dịch bệnh mới.
Hiểm họa từ dịch Covid-19 luôn hiện hữu bởi virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi. Theo giới chuyên gia, thế giới có thể chưa đối mặt với biến thể có khả năng lây truyền cao nhất trong khi khả năng miễn dịch từ vaccine ngừa Covid-19 đến nay đã suy giảm đáng kể. Ðiều này đòi hỏi các nước phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản về dịch bệnh.