Cảnh giác nguy cơ vỡ bong bóng chứng khoán và bất động sản

NDO -

Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh GDP toàn cầu cả năm được dự báo sẽ tăng trưởng tốt so với năm 2020; thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi (WTO dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng 8,3% trong năm 2021 và 6,3% vào năm 2022).

(Ảnh minh họa: HOÀNG TUYẾT)
(Ảnh minh họa: HOÀNG TUYẾT)

Theo đó, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, lạm phát, rủi ro tài chính gia tăng ở một số nền kinh tế lớn, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu….

Đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 và vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để đạt mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay...

Các giải pháp chính sách phát huy tác dụng

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...

Những giải pháp kịp thời về chính sách này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế đất nước: GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng chỉ cao hơn của bình quân cùng kỳ năm 2015, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân 6 tháng của các năm còn lại trong giai đoạn từ 2011 - 2020; Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 (thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu này của các năm 2017 - 2020)...

Tại hội thảo về Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021 mới được Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính) tổ chức ngày 2-7, có thể thấy bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường giá cả trong và ngoài nước ta, những phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2021, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua.

Đồng thời, các căn cứ khoa học và thực tiễn về những vấn đề liên quan đến thị trường, giá cả thời gian qua cũng như những cơ hội và thách thức đặt ra cho thị trường, giá cả thời gian tới (sẽ tác động tới các vấn đề về ổn định kinh tế - xã hội; thu - chi ngân sách Nhà nước; lãi suất ngân hàng; tỷ giá ngoại hối; nợ công... như thế nào) cũng đã được mổ xẻ sắc nét để dự báo và đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát, thực hiện “mục tiêu kép” trong điều kiện bình thường mới của năm 2021 và những năm tiếp theo...

Những giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm 2021 mà còn đưa ra lộ trình nhằm góp phần giúp cho kinh tế nước ta phát triển ổn định trong trung và dài hạn.

Vẫn trong tầm kiểm soát chủ động

Đáng chú ý, báo cáo kết quả công tác điều hành giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại hội thảo cho thấy, trước rủi ro lạm phát hiện hữu, các nước đang phải đứng trước lựa chọn tiếp tục kích thích kinh tế và chấp nhận rủi ro lạm phát hay thu hẹp các chính sách kích thích để tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô.

Theo đó, đã có những nước đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng so với kỳ vọng nhằm kiềm chế lạm phát hoặc áp dụng các biện pháp tăng lãi suất hạn chế cung tiền và thắt chặt tiền tệ; Có những nước nới lỏng mục tiêu kiểm soát lạm phát và vẫn tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế.

Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá: tăng hơn ở các tháng đầu năm, giảm dần và trở lại bình thường vào các tháng giữa năm, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Đặc biệt, trong các yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, cơ quan chức năng nhận thấy có sự góp mặt rất lớn của nguồn cung hàng hóa dồi dào đặc biệt giá thịt lợn giảm trong thời gian nửa đầu năm; tác động từ những chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá điện. góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống; hay như việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện Nhà nước quản lý như giá dịch vụ công giáo dục, y tế, giá một số mặt hàng thiết yếu như nước sạch...

Đồng thời, các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát.

Từ diễn biến lạm phát có thể thấy mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao trên nhiều khu vực thế giới song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.

Các chính sách, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã được phát huy hiệu quả; Các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở trạng thái tốt, tạo dự địa cho Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng.

Cảnh giác tình trạng “nhập khẩu lạm phát”

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Đáng lưu ý, trong các đánh giá triển vọng kiểm soát lạm phát 2021, Bộ Tài chính nhận định: nửa cuối năm 2021 vẫn còn nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát, trong đó có rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”.

Rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán nếu không có những biện pháp điều tiết phù hợp khi tín dụng được đổ vào khu vực đầu tư này với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những yếu tố tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát, đặc biệt là nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu...) vẫn được điều hành bảo đảm.

Dự báo giá lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định do các hoạt động sản xuất, chăn nuôi được phục hồi khả quan; Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong khi sức mua, tổng cầu nền kinh tế còn thấp. Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá.

Như vậy có thể thấy, về mặt “con số” thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước tính của Cục Quản lý giá, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.