Cảnh giác bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ trong kinh tế

NDO -

NDĐT - Bệnh thành tích và lối tư duy nhiệm kỳ khá phổ biến trong quản lý đầu tư công và quy hoạch. Nổi bật là tình trạng nghiện đầu tư, thèm dự án, đói tài nguyên, và sản xuất hàng loạt quy hoạch, chiến lược phát triển được xây dựng thần tốc, thẩm định cẩu thả, với hàng loạt các dự án “dưới chuẩn”, quy hoạch treo, cùng loại, cùng kiểu ở mọi địa phương, bất chấp các căn cứ khoa học, sự chồng chéo, cơ sở thực tế, hiệu quả, hiệu năng, kỷ luật đầu tư công…

Từ đó, dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, sự gia tăng mất cân đối vốn đầu tư công và nợ đọng xây dựng cơ bản, chất lượng dự án thấp; mua sắm tài sản công qua trung gian vòng vèo, hàng kém chất lượng, với “giá trên trời”, hay mua sắm quá định mức… để cốt lấy oai, đánh bóng tên tuổi và kiếm tiền “lại quả”, “lộc” riêng, kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

"Hội chứng đầu tư” đã cho ra đời những dự án “đầu voi, đuôi chuột”, xây dựng hàng loạt nhà máy bia, thuốc lá, xi măng lò đứng, mía đường, cảng biển, khu công nghiệp và khu kinh tế, kể cả kinh tế cửa khẩu; bột giấy, cán thép, thủy điện nhỏ và vừa, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, "tận thu” khoáng sản, trường đại học, sân golf, rồi sân bay...; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản

Trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ-ngân hàng, bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ thể hiện ở việc giao chỉ tiêu kế hoạch ngân sách, phân bổ vốn đầu tư và tín dụng ưu đãi bị dàn trải, theo mức “lại quả” và sự “biết điều” của đối tượng và địa phương.

Đó còn là các hiện tượng “ăn chia” gắn với việc áp sai chính sách ưu đãi tài chính-tín dụng cho các đối tượng liên quan gây thất thu NSNN các cấp; hiện tượng lạm dụng chỉ định thầu, ép thầu, chạy thầu hay đấu thầu dự án; bắt tay giữa quan chức, ngân hàng và doanh nghiệp trong hoạch định và thực thi chính sách, phân bổ và điều tiết dòng tiền; khiến nơi thừa vốn, nơi đói vốn, bất chấp tiêu chuẩn an toàn và những ưu tiên cho vay cần có trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

Đó còn là sự “ngược dòng” hoặc chênh lệch cao kéo dài, khó hiểu của giá ngoại hối và lãi suất; sự gia tăng các rủi ro đạo đức trong kinh doanh ngân hàng ngày càng phổ biến; gia tăng sở hữu chéo, đồng thời cũng là rào cản lớn nhất, thao túng và ảnh hưởng đến cả hệ thống trong quá trình xử lý, tái cơ cấu ngân hàng...

Bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ cũng thể hiện khi các nơi đua nhau xây dựng dự án và cả nhận hối lộ trong kêu gọi ODA và FDI, bất chấp hậu quả tăng nợ công, tàn phá môi trường, thất thu NSNN; khi có sự buông lỏng quản lý giá khiến kéo dài hiện tượng giá cả giá độc quyền cao hoặc chỉ có lên một chiều, hoặc lên nhanh, xuống chậm, chênh biệt kéo dài giữa giá nội với ngoại, bất chấp các xu hướng và động thái thị trường, cũng như lợi ích chính đáng và sự bất bình của người dân; khi coi nhẹ hay bỏ rơi những ngành, nghề cần thiết cho sự ổn định và phát triển xã hội, nhưng lại bảo hộ “vô điều kiện” (?!) và kéo dài quá mức đối với một số ngành nghề, sản phẩm, mà chúng mang lại hay gắn với lợi ích nhóm, nhân danh vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp quốc gia nào đó.

Hơn nữa, lợi ích nhóm cũng biểu hiện ở việc không muốn hay trì hoãn cổ phần hóa, nhân danh và lạm dụng giữ tỷ lệ khống chế vốn nhà nước trong DNNN càng cao càng tốt như một biểu tượng mạnh mẽ của CNXH; tư nhân hóa ngấm ngầm và “đục nước béo cò” trong cổ phần hóa, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mua - bán nợ theo giá cao và thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong bối cảnh nhiều mù mờ, “tranh tối, tranh sáng” hiện nay và tạo ra tình trạng, khi cần niêm yết sàn chứng khoán thì doanh nghiệp báo cáo lãi, tô hồng hoạt động của doanh nghiệp; còn khi phải nộp thuế và muốn điều chỉnh chính sách, tăng giá độc quyền thì báo cáo lỗ, kêu khó và khổ...

Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và bệnh thành tích cũng thể hiện ở tình trạng sử dụng quỹ đất lãng phí, giao đất không đúng đối tượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù đất dự án tùy tiện, luồn lách hoặc bất chấp pháp luật; “rút lõi’ và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và chỉ nhấn mạnh một chiều cái được, mà ỉm đi cái mất, chẳng hạn là chuyện địa phương khoe một doanh nghiệp nộp ngân sách 5 tỷ đồng, nhưng không báo cáo là đoạn đường mà doanh nghiệp này làm hỏng trị giá đến 30 tỷ đồng.

Trong công tác cán bộ, bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ thể hiện đậm nét ở cuộc đua báo cáo thành tích cá nhân rất kêu, bất chấp sự thực hoạt động của đơn vị và người đó trong thực tế. Những báo cáo này trực tiếp phục vụ cuộc đánh bóng hình ảnh cá nhân gắn với hiện tượng chạy ghế, chạy chức và chạy “quy hoạch nhân sự”, gắn với nhiệm kỳ của các vị trí quản lý kinh tế. Giá và độ nóng các ghế này tùy thuộc độ màu mỡ và khả năng thu hồi vốn của các chúng, cũng như tùy vào quan hệ các bên có liên quan; đồng thời, do đó, hậu quả xấu của những cán bộ loại này cũng tùy thuộc chi phí và tham vọng thu lời từ vị trí họ được bổ nhiệm…

Có thể thấy, các ngành, các cấp trong bộ máy Nhà nước, nơi nhiều nơi ít nhưng không nơi nào là không mắc bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ. Chúng len lỏi vào tất cả các hoạt động, lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội và cả đời sống tâm linh. Các dự án làm gì cũng thích to, thích nhiều, có kỷ lục, háo danh, háo thành tích bất chấp nhiều hệ lụy to lớn và khó lường… Ngược lại, lối tư duy nhiệm kỳ còn khiến một số cán bộ ngại thay đổi và ngại đối diện với sự phức tạp, muốn kéo dài đặc lợi và sự yên ổn trong nhiệm kỳ của mình để hạ cánh an toàn, bất chấp nhu cầu thực tế cuộc sống và lợi ích công…

Sự cố kết của các nhóm lợi ích với các nhà hoạch định chính sách theo tư duy nhiệm kỳ dễ dẫn tới các hành vi tham nhũng hoặc trục lợi, vun vén cá nhân.

Đó là những biểu hiện tha hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị ở các cấp, lĩnh vực, vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật, ăn bám trong quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế, phá vỡ trật tự, kỷ cương, làm băng hoại các giá trị truyền thống trong các quan hệ cộng đồng và quan hệ trong xã hội công dân.

Chúng tạo ra hiện tượng chạy chính sách, chạy dự án, chạy vốn, chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích và cả chạy tội, chạy án…; làm sai lệch các tín hiệu thị trường, cơ cấu và định hướng các nguồn lực quốc gia, làm tăng nợ công và sự bất ổn vĩ mô; làm tăng nguy cơ lỏng lẻo và mất kiểm soát pháp luật Nhà nước và giảm sút hiệu quả đầu tư các cấp độ và quy mô; làm mất cơ hội và sức cạnh tranh kinh doanh; tạo những cơn nóng - lạnh bất thường nặng mùi đầu cơ và những rủi ro chính sách đủ loại trong đời sống kinh tế vĩ mô và vi mô; vùi dập nhân tài và làm tổn thương những giá trị chân-thiện-mỹ và làm tha hóa đạo đức xã hội; gây tổn hại đến lòng tin của các thế hệ và của nước ngoài vào lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, uy tín, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, thậm chí đe dọa cả sự tồn vong chế độ …

Quá trình phát triển và quản lý phát triển kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi sự quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội cao, bởi các tiềm năng và điều kiện trong nước, cũng như xu thế và cơ hội từ bên ngoài. Đồng thời, quá trình này cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có cả lực cản từ các căn bệnh thành tích lối tư duy nhiệm kỳ; kể cả sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng từ những dự án đu tư mới nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công.

Những khó khăn và lực cản trên đây nếu không đuợc nhận diện và hoá giải tốt, có thể gây hệ quả trái mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm tái cấu trúc tuơng lai…

Bởi vậy, để giảm thiểu những tác hại của căn bệnh thành tích và lối tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong quản lý kinh tế, cần đa dạng hóa các phương thức huy động vốn và đầu tư công; tích cực thu hồi, “bóc tách” và thương mại hóa những tài sản đất đai và bất động sản cùng các tài nguyên công cộng khác trên địa bàn bị chiếm hữu trái phép, sử dụng sai mục đích, quá tiêu chuẩn hoặc không hiệu quả… để đưa vào thị trường vốn; coi trọng yêu cầu bồi dưỡng đạo đức, kỷ luật công vụ, làm rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; quy chuẩn hóa và đề cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch, dự án đầu tư công hướng đến một cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, vì con người và phát triển tương lai bên vững…

Quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, 4 và 5 Đại hội XI, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm và điều kiện cần thiết để nhận diện và giảm thiểu căn bệnh thành tích và tình trạng lối tư duy nhiệm kỳ trong phát triển và tái cơ cấu kinh tế trong thời gian tới, nhằm cũng cố chế độ, giữ vững và nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vì một Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.