Cánh cửa nhân ái của những mảnh đời lầm lỗi

Với chức năng chính tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối vô gia cư, bệnh nhân tại các cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm bảo trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái đã chấp nhận xa gia đình, đồng hành, nhiệt tâm chăm sóc và điều trị cho những mảnh đời lầm lỗi.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân qua tấm kính ngăn cách phòng và camera 24/7.
Các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân qua tấm kính ngăn cách phòng và camera 24/7.

Bệnh viện Nhân Ái (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh), tọa lạc trên khu đất xa khu dân cư, không khí mát mẻ, yên tĩnh thuộc xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Hầu hết bệnh nhân nơi đây, mỗi người, mỗi hoàn cảnh; người thì bị người thân xa lánh, ruồng bỏ; người thì hoàn cảnh gia đình không thể chi trả chi phí chữa bệnh, thăm nom.

Do đó, chính sách nhân văn của Nhà nước, sự bao dung, rộng mở, xem bệnh nhân là người thân của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái là liều thuốc tinh thần vô giá đối với những mảnh đời lầm lỗi.

Sinh năm 1993, N.T.T được chuyển từ Trung tâm Giáo dục lao động Phú Nghĩa về Bệnh viện Nhân Ái để chữa bệnh. T tâm sự: Em được ba mẹ nhận nuôi từ Bệnh viện Từ Dũ. Hiện mẹ nuôi đã mất. Bố không chấp nhận đứa con hư hỏng như em.

Em có con gái, năm nay học lớp 6. Có lần em được gặp cháu trên trại giáo dục, cháu không nói gì cả, chỉ nhìn em rồi khóc.

Em biết em có lỗi với con, sẽ cai nghiện thật tốt, làm lại cuộc đời. Còn chị G vừa hướng dẫn các bệnh nhân tập văn nghệ, vừa vui vẻ chia sẻ: Tôi đã ở tại Bệnh viện Nhân Ái hơn 10 năm.

Trước đây, chị có một xưởng may nhỏ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, những tưởng cuộc đời sẽ êm ấm, nhưng bạo hành gia đình đã phá tan gia đình. Không chịu đựng nổi những đòn roi từ người chồng bạo lực, chị cùng con bỏ nhà đi, buồn, rồi vướng vào ma túy.

“Đến khi phát hiện nhiễm HIV, tôi nghĩ, cuộc đời đã kết thúc. Tình cờ, được một người bạn giới thiệu Bệnh viện Nhân Ái, tôi đã lên đây cai nghiện. Nơi đây tôi gặp những hoàn cảnh như mình, họ vẫn sống vui; các bác sĩ xem chúng tôi như người thân, không có sự kỳ thị, mọi người được đối xử công bằng”.

Bác sĩ CKII Nguyễn Phi Khanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái cho biết: Tôi công tác tại đây từ khi bệnh viện mới thành lập. Bệnh viện có 546 bệnh nhân, khoảng 250 bác sĩ, nhân viên y tế; trong đó, khoảng gần 100 người đã công tác ở bệnh viện trên 15 năm.

Tôi và các bác sĩ đều ở lại trong bệnh viện, cũng phân ca trực nhưng thực tế gần như ai cũng trực bảy ngày/tuần; có khoảng hơn 30 cặp vợ chồng nên duyên nơi đây, sinh con cái và ở lại bệnh viện công tác luôn.

“Mọi người ở đây sống khăng khít như anh em trong đại gia đình. Chưa có trường hợp y, bác sĩ có ý định bỏ bệnh viện để đi nơi khác. Thật đáng trân quý”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Y khoa, Trường đại học Tây Nguyên, bác sĩ Phạm Thị Thùy Dung chọn Bệnh viện Nhân Ái công tác đã được hơn hai năm. Bác sĩ Dung chia sẻ: Khi gia đình biết việc mình công tác tại đây cũng có phản ứng, yêu cầu mình suy nghĩ thật kỹ. Tuy nhiên, khi gia đình đến bệnh viện quan sát, tìm hiểu thì gia đình đã an tâm và đồng ý cho mình gắn bó công tác tại bệnh viện.

Các bác sĩ trẻ Bệnh viện Nhân Ái người tốt nghiệp từ Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh, người tốt nghiệp Y khoa ở Trà Vinh, người tốt nghiệp Y khoa ở Quảng Bình… đã tự nguyện chấp nhận xa gia đình, cùng gắn kết chăm sóc hết lòng vì người bệnh, dù họ là ai, quá khứ họ như thế nào.

Tại Khoa Nội 2, khoảng 200 bệnh nhân đều được điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, có người khỏe mạnh, tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Bệnh nhân N.T.L cho biết: Từ lúc biết tôi bị HIV, gia đình, bạn bè xa lánh. Tại bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng không bỏ sót một dấu hiệu bệnh tình nào của tôi. Nhớ nhất những lúc bệnh nặng, các bác sĩ, điều dưỡng lại giúp mọi sinh hoạt cá nhân cho tôi; dang rộng vòng tay đón chúng tôi bằng tất cả tình yêu thương.

Thật vậy, Bệnh viện Nhân Ái đúng nghĩa là đại gia đình nhân ái. Thông qua hoạt động truyền thông, các chương trình truyền hình thực tế, bệnh viện luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và dễ dàng hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng.

Bệnh viện Nhân Ái đã góp phần giải quyết vấn đề an ninh trật tự, chính sách an sinh xã hội của thành phố cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS, lao, tâm thần...

Ngoài ra, Bệnh viện Nhân Ái còn được xem như là cánh tay nối dài của mạng lưới y tế Thành phố Hồ Chí Minh đến các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn các tỉnh xa thành phố trong công tác quản lý, chăm sóc điều trị và phòng chống dịch.