Cảnh báo về chất lượng cà-phê nhân

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích cà-phê của nước ta tính đến năm 2022 đạt hơn 710.000 ha, trong đó diện tích cà-phê kinh doanh đạt hơn 653.000 ha.
0:00 / 0:00
0:00

Cà-phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên với hơn 600.000 ha, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn hằng năm. Diện tích và sản lượng tăng, nhưng có một cảnh báo “nóng” là chất lượng cà-phê nhân đang ngày càng xuống cấp.

Lãnh đạo Cục Chế biến nông, lâm sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của chúng ta có tăng nhưng chủ yếu là nhờ giá cà-phê thế giới cao lên chứ không phải do chất lượng cà-phê được cải thiện. Cục này khẳng định, chất lượng cà-phê nhân Việt Nam đang ở vào bậc thấp khi “xếp hàng” với thế giới. Nguyên nhân của vấn đề đã được các chuyên gia và những người có trách nhiệm phân tích khá rõ ở nhiều khía cạnh.

Trước hết là do quy hoạch phát triển cà-phê chưa được tính toán cân đối nên có lúc loại cây này được trồng ồ ạt khi giá lên và có lúc lại bị chặt bỏ khi giá hạ. Điều đó tác động không tốt đến chế độ thâm canh. Khía cạnh khác, vì mục tiêu tăng năng suất, cây cà-phê được chăm sóc theo hướng thâm canh cao quá mức như: bón phân hóa học vượt liều lượng quy định, tưới nước không hợp lý, việc đào bồn giữ nước cho vườn cà-phê để nước ngấm tới các tầng đất sâu, tận dụng tối đa bức xạ mặt trời, đốn chặt các cây che bóng. Chưa hoàn chỉnh về bộ giống, tình trạng giống hỗn tạp ở các vườn cà-phê vẫn phổ biến. Những điều nêu trên chính là các yếu tố dẫn đến chất lượng thấp của cà-phê nhân. Đặc biệt, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, cách nông dân thu hái theo kiểu “tuốt cành”, vơ một lúc cả quả xanh lẫn quả chín, quả nẫu lẫn quả khô đã làm cho cà-phê chất lượng đã thấp lại càng thấp.

Một lãnh đạo Hiệp hội Cà-phê-ca cao Việt Nam phân tích: Nhiều năm qua, các địa phương chỉ chăm chú vào việc phát triển diện tích mà quên mất không hướng dẫn nông dân cách thu hái cũng như quy trình bảo quản sau thu hoạch để làm tăng khả năng cạnh tranh của giá trị hạt cà-phê. Khâu bảo quản, chế biến cà-phê hiện nay cũng có nhiều lo ngại. Sân phơi, thiết bị sấy, máy xay xát, máy sàng cà-phê và các điều kiện khác ở nơi chế biến, đóng gói, bảo quản chưa bảo đảm nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cà-phê nhân của Việt Nam. Theo phân tích, thu hoạch cà-phê xanh đã làm giảm 20%-30% sản lượng, tính ra mỗi năm đã làm thiệt hại 100.000 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, giá bán cà-phê do thu hoạch xanh bị giảm tới 10%-15%, thiệt hại cho cả người trồng, chế biến, tiêu thụ.

Để bảo đảm chất lượng cà-phê, phải thực hiện đúng quý trình kỹ thuật từ các khâu trước, trong và sau thu hoạch; nhưng trước hết, cần khắc phục được tình trạng hái cà-phê khi quả còn xanh. Để làm được điều này, phải huy động tất các các cơ quan, ban, ngành cùng vào cuộc để tham gia vận động, hướng dẫn người dân trồng cà-phê thay đổi thói quen nói trên - một thói quen ảnh hưởng xấu tới cả một ngành sản xuất nông nghiệp quan trọng của đất nước.