Cảnh báo quảng cáo, điều trị bệnh nam khoa trái phép

Nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ nam giới mắc các bệnh nam khoa có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Dịch vụ chữa bệnh nam khoa vì vậy mà "nở rộ". Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều cơ sở chữa bệnh không phép, hoạt động chui, quảng cáo không đúng sự thật, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Liên tiếp thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở y tế quảng cáo các dịch vụ y tế, làm đẹp và điều trị các bệnh mãn tính hoặc bệnh "khó nói"… trái phép trên mạng xã hội, như: One World Clinic (982 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5, quận Tân Bình); phòng khám nam khoa tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park (512 đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức); cơ sở Uci International (34 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1); Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam (296 đường Trần Não, Khu phố 2, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức)…

Theo Bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố, bốn tháng đầu năm 2024, Sở Y tế thành phố đã ban hành 113 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt hơn 5 tỷ đồng; vi phạm chủ yếu là về điều kiện hoạt động, điều kiện hành nghề; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội…; không niêm yết giá, "chặt chém" người bệnh; không bảo đảm điều kiện khám, chữa bệnh. Trong tháng 6 vừa qua, Sở Y tế thành phố phát hiện Công ty TNHH Saigon Shine (95, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) núp bóng dưới một phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt nhưng quảng cáo nam khoa trên mạng xã hội "thực hiện dịch vụ chữa yếu sinh lý" và hành nghề điều trị nam khoa trái phép, cố tình không chấp hành vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực y tế...

Khi gặp vấn đề liên quan đến tình dục và bệnh nam khoa, với tâm lý e ngại và xấu hổ, hầu hết nam giới thay vì vào bệnh viện thì thường tự tìm các địa chỉ phòng khám "kín đáo", ít tìm hiểu kỹ về bệnh lý do ngại ngùng, mặc cảm. Chỉ cần gõ "chữa bệnh nam khoa" và thêm từ khóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức trả về rất nhiều kết quả tìm kiếm các địa chỉ phòng khám với quảng cáo có cánh. Tuy nhiên, địa chỉ phòng khám lại rất mập mờ, các cơ sở chữa bệnh nam khoa này cam kết sẽ chữa dứt điểm, không tái lại...

Quảng cáo thông tin sai lệch trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hậu quả, người dân bị thu hút và đến các cơ sở không phép, sử dụng các kỹ thuật y tế không an toàn. Nhiều trường hợp bị bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, bị bệnh này nhưng chẩn đoán bệnh kia. Có cơ sở kê thêm nhiều dịch vụ để lấy tiền bệnh nhân; gây tổn thất về mặt tài chính, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân, làm mất đi cơ hội điều trị sớm, khiến bệnh nặng hơn.

Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ ngành y tế mà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa-Thể thao, Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền các quận, huyện; xã, phường, thị trấn. Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức cập nhật các thông tin, giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện bệnh kịp thời và lựa chọn các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín.

Khi khám, chữa bệnh cần loại bỏ tâm lý e ngại, mặc cảm để không mất "thời gian vàng" trong điều trị. Người dân cần cảnh giác cao trước thông tin quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok. Khi tiếp cận thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người dân cần có sự kiểm chứng thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau, nhất là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế thành phố.