Cảnh báo từ phơi nhiễm HIV trong ngành y
Theo báo cáo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp phơi nhiễm HIV trên toàn quốc (gồm 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành) năm 2014 có 951 người, tập trung chủ yếu ở nhóm cán bộ y tế, công an, lao động – thương binh và xã hội, quân đội... Trong số này, có 853 người được khám tư vấn xác định có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV). Trước đó, năm 2013 cũng có 914 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp với 765 người có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Rất may là chưa ai bị nhiễm HIV trong số những người bị phơi nhiễm kể trên.
Việc các cán bộ, nhân viên ở các bệnh viện luôn đối diện với phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân không còn là chuyện lạ. Và mỗi trường hợp phơi nhiễm bệnh lại xảy ra hoàn toàn không giống nhau. Tất nhiên, không chỉ riêng chuyện phơi nhiễm HIV mà còn phơi nhiễm rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nhau như bệnh lây qua đường máu như viêm gan B và C; bệnh lây qua đường hô hấp: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu; bệnh lây qua đường tiếp xúc: bệnh than, Ebola, Herpes, SARS, MERS-CoV…
Sự kiện 19 y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nằm trong tình trạng phơi nhiễm HIV không gây ngạc nhiên nhưng bất ngờ vì số lượng phơi nhiễm quá lớn. Đánh giá sự việc này, nhiều người cho rằng đây là tình huống bất khả kháng. Họ đề cao đến vấn đề y đức bởi những hành động của các y, bác sĩ này đã coi việc cứu chữa tính mạng, sức khỏe người bệnh lên trên hết. Vì thế, nhiều người sẽ xúc động thông cảm với sự sẵn sàng hy sinh bản thân, lăn xả cứu người bệnh ở mọi nơi, mọi lúc mà không lo lắng mình bị phơi nhiễm của các y, bác sĩ.
Câu hỏi đặt ra, những tai nạn nghề nghiệp như vậy có thể được ngăn ngừa tối đa nhằm bảo vệ sức khỏe cho những y, bác sĩ hay không? Rõ ràng, chính những y, bác sĩ này cần phải được bảo vệ để họ làm trọn bổn phận cứu người, bởi rất nhiều người bệnh cần đến họ. Thật ra, những hiểm họa nghề nghiệp kiểu như vậy đến với người y, bác sĩ có thể lường trước được qua thực tế công tác, và ngành y hoàn toàn có thể hạn chế tối đa sự phơi nhiễm này. Sự kiện 19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV là một cảnh báo khẩn cấp về công tác an toàn cho những người ngành y.
Bảo vệ an toàn cho y, bác sĩ chính là Y đức
Bất kỳ công việc gì đều phải có nguyên tắc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động khi hành nghề, đặc biệt là trong ngành y. Chuyện phòng, tránh lây nhiễm HIV từ người bệnh sang nhân viên y tế không phải là kiến thức mới mẻ trong ngành y. Hiện, việc dự phòng phổ cập của Bộ Y tế cũng có quy định rõ biện pháp phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ai cũng biết, nhân viên y tế phải đối mặt với bệnh nhân, bệnh tật hàng ngày, không phải mỗi HIV mà còn nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nữa… Thử hỏi, nếu nhân viên ngành y không được bảo vệ an toàn thì lấy ai để khống chế, chữa bệnh?
Chỉ trong việc điều trị HIV, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết: "Cả nước có 220 nghìn bệnh nhân đang tiếp cận, còn có nhiều người không biết có bị nhiễm HIV hay không, nên ngành y đã có quy định các biện pháp dự phòng rất rõ”. Về quy chế phòng, chống lây nhiễm, GS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám chữa Bệnh Bộ Y tế khẳng định, ngành y đã đưa ra nhiều quy chế để phòng chống lây nhiễm chéo ở các cơ sở y tế.
Nhiều người lý giải, đối với trường hợp nhiều người phơi nhiễm HIV là do các y, bác sĩ không có thời gian nghĩ đến phòng hộ khi tình huống cứu người rất khẩn cấp, và những tình huống này cũng hiếm khi xảy ra. Hơn nữa, theo thống kê hàng năm, có tới hàng trăm, hàng nghìn cán bộ y tế phơi nhiễm với HIV nhưng tỷ lệ bị lây nhiễm rất thấp do được uống thuốc điều trị kịp thời… Đến nay, chúng ta mới chỉ ghi nhận có một y tá và một chiến sĩ công an bị nhiễm HIV khi đang làm nhiệm vụ.
Rõ ràng, những thống kê và suy nghĩ như vậy đang gây trở ngại cho công tác bảo đảm an toàn cho các y, bác sĩ khi thực hiện nhiệm vụ. Nếu chúng ta đặt vấn đề cao hơn, thí dụ như người lao động làm trong các cơ sở hạt nhân rõ ràng chỉ cần sơ suất trong công tác bảo hộ sẽ ảnh hưởng ngay đến tính mạng người lao động. Vì thế, đối với ngành y tế, qua sự việc phơi nhiễm HIV tập thể nói trên, cần phải nâng cấp báo động về ý thức công tác an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ.
Cần phải tập trung nghiên cứu việc bảo vệ an toàn cho y, bác sĩ sao cho vừa thuận lợi cho họ khi hành nghề, đồng thời hạn chế tối đa các trường hợp bị phơi nhiễm. Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ an toàn cho từng cá nhân, tạo thành thói quen cho từng người trong ngành y. Hãy coi đây cũng là vấn đề của Y đức, vì có bảo đảm an toàn cho y, bác sĩ thì họ mới thực hiện được Y đức của mình.