Cảnh báo nguy cơ tụt hậu đối với lao động nữ

Theo các chuyên gia, phụ nữ có xu hướng trở lại làm việc chậm hơn so với nam giới sau đại dịch và tác động của dịch bệnh sẽ cản trở họ trở lại tham gia lực lượng lao động trong khoảng 10 năm tới. Khảo sát thị trường việc làm tại Mỹ Latin và Caribe cho thấy, phụ nữ có con nhỏ có nguy cơ thụt lại phía sau trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Lao động nữ và người dưới 24 tuổi tại khu vực Mỹ Latinh là đối tượng bị ảnh hưởng nhất do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Lao động nữ và người dưới 24 tuổi tại khu vực Mỹ Latinh là đối tượng bị ảnh hưởng nhất do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Cuộc sống của người mẹ ba con Rosa Maidana tại Paraguay xáo trộn bởi đại dịch. Trước khi dịch bùng phát, Rosa lái xe đưa đón học sinh cho một trường học. Nhưng nay, các lớp học diễn ra trực tuyến, Rosa ở nhà với các con của mình, và cả gia đình sống dựa vào thu nhập của người chồng. Ở Chile, Rosa Navarro, người mẹ đơn thân của bảy đứa con đang ở độ tuổi mới lớn, cũng phải chuyển đổi công ty tổ chức sự kiện của mình thành cửa hàng bán đồ ăn khi dịch bùng phát.

Đó chỉ là một vài câu chuyện về khó khăn mà phụ nữ khắp nơi trên thế giới đang đối mặt trong bối cảnh đại dịch. Theo kết quả khảo sát do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện tại Argentina, Bolivia, Chile, Mexico, Paraguay và Uruguay, phụ nữ thường làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất như du lịch, thương mại và giáo dục. Phụ nữ phải thực hiện phần lớn công việc gia đình cũng như chăm sóc và dạy dỗ con cái, nhất là khi trường học phải đóng cửa thời gian dài.

TTXVN dẫn lời Giám đốc UNDP khu vực Mỹ Latin và Caribe, ông Luis Felipe Lopez-Calva cho biết, công việc nhà mà nữ giới phải gánh vác đang được nhìn nhận chưa phù hợp. Tuy nhiên, UNDP cũng chỉ ra rằng, nếu tỷ lệ mẹ đơn thân thất nghiệp là rất cao khi đại dịch bùng phát, thì trong giai đoạn phục hồi, họ có thể trở lại thị trường lao động mạnh mẽ hơn, so với nhóm phụ nữ khác.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, cú sốc kinh tế - xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và có nguy cơ xóa mờ những tiến bộ từng khó khăn mới đạt được về thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh tế và thị trường lao động.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), trong khủng hoảng Covid-19, khoảng 56% số phụ nữ tại Mỹ Latin và Caribe mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn, cao hơn nhiều so mức của nam giới. Khi dịch dần được kiểm soát và người lao động có thể trở lại làm việc, thì khoảng cách này vẫn tồn tại. Nếu không có chính sách kịp thời, cuộc khủng hoảng Covid-19 có nguy cơ làm tăng bất bình đẳng về giới trong các cơ hội kinh tế và việc làm. Nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị, các nước nên mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, nhất là hướng tới nhóm lao động nữ ■