Cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh viêm não vi-rút và viêm não Nhật Bản

Hiện đang là mùa hè, cũng là điểm đỉnh diễn ra bệnh viêm não vi-rút và viêm não Nhật Bản (VNNB), cho nên thời gian tới nguy cơ số ca mắc tiếp tục gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía bắc. Để phòng, chống bệnh viêm não vi-rút, VNNB một cách chủ động và hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo mà cơ quan chuyên môn đưa ra.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bác sĩ, ths Phạm Hùng cho biết: Tại nước ta, số ca mắc viêm não vi-rút xảy ra rải rác quanh năm. Thống kê giai đoạn từ năm 2001 đến 2004, ghi nhận số ca mắc cao, trung bình từ 2.000 đến 2.200 trường hợp/năm. Tỷ lệ mắc viêm não trên 100 nghìn dân năm 2001 là 2,82 đến năm 2015 giảm xuống còn 1,07; khu vực có số mắc trên 100 nghìn dân (năm 2015) cao nhất là khu vực Tây Nguyên: 2,49 và thấp nhất là khu vực miền nam: 0,58. Trong khi đó, từ tích lũy từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước ghi nhận 375 trường hợp mắc tại 31 tỉnh, thành phố, có bốn trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc cả nước giảm 26,3%, số ca tử vong giảm 11 trường hợp; khu vực miền bắc có số ca mắc cao nhất, chiếm 53,9% số trường hợp mắc viêm não vi-rút của cả nước.

Đối với bệnh VNNB, trong sáu tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong tại tỉnh Điện Biên. Số ca mắc rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía bắc, phía nam. So với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc VNNB cả nước giảm 9%; số mắc VNNB tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 11 đến 15 tuổi chiếm 39,2%; lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi chiếm 29,1%; lứa tuổi từ 1 đến 5 tuổi chiếm 20,3 %; lứa tuổi dưới một tuổi chiếm 6,3 % và lứa tuổi hơn 15 tuổi chiếm 5,1%…

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Viêm não vi-rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi-rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viêm não có thể xảy ra quanh năm, nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch thường từ tháng 5 đến tháng 7. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh, là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Đối với bệnh VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cấp tính do muỗi truyền. Bệnh do vi-rút viêm não Nhật Bản gây nên, vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua muỗi đốt và gây tổn thương não nặng nề. Do vậy, khi mắc bệnh thường gây tử vong với tỷ lệ cao, có thể đến 50% số các trường hợp bị bệnh ở những nơi điều kiện điều trị người bệnh không được tốt, nếu người bệnh có thể hồi phục thì hầu hết để lại di chứng như: liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc và hành vi. Ở Việt Nam, nhất là ở khu vực phía bắc, bệnh xuất hiện tản phát hằng năm, có tính chất mùa, từ tháng tư đến tháng mười, nhưng chủ yếu người bệnh mắc vào tháng 6 hằng năm. Nếu như trước đây, khi chưa có vắc-xin VNNB trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh gây ra các vụ dịch với số lượng ca mắc lớn, nhưng từ năm 1997, khi vắc-xin VNNB đã được đưa vào tiêm miễn phí cho trẻ thì tỷ lệ mắc bệnh đã giảm xuống hàng chục lần, nhất là tại các vùng nguy cơ cao, bệnh chỉ còn tản phát các trường hợp riêng lẻ và không gây thành dịch. Đáng chú ý, do hiện nay bệnh VNNB chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị các triệu chứng. Có thể làm giảm tác hại của bệnh bằng cách phát hiện sớm, sử dụng thuốc hạ sốt, an thần và theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh, điều trị ở các cơ sở hồi sức tích cực đúng tuyến, phát hiện sớm di chứng và phục hồi chức năng cho người bệnh. Do vậy, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng bệnh VNNB…

Do vậy, để phòng, chống bệnh viêm não vi-rút, VNNB một cách chủ động và hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo sở y tế, các cơ quan có liên quan tăng cường các hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, cập nhật và áp dụng các phác đồ điều trị mới để hạn chế di chứng và tử vong; phân tuyến, phân luồng điều trị để tránh quá tải tuyến trên; triển khai các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh và lợi ích của tiêm phòng vắc-xin VNNB trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc-xin VNNB cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để đạt tỷ lệ hơn 90%, đối với vùng có nguy cơ cao đạt tỷ lệ hơn 95%; đặc biệt lưu ý đối với các tỉnh có số ca mắc cao và tỷ lệ tiêm thấp; bảo đảm an toàn tiêm chủng, xử lý kịp thời các tình huống và sự cố xảy ra…

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm vắc-xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu; ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao, cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời...