Cảnh báo ngộ độc do uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc

NDO - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, việc sử dụng rượu ngâm cần phải hết sức chú ý. Việc không tính toán được liều lượng dược liệu hoặc ngâm động vật nguyên con có thể gây ra ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. 
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Nam bệnh nhân N.T.T (Lào Cai) chuyển từ tuyến dưới lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày mùng 5 Tết trong tình trạng người tím tái, chảy máu mũi và ho ra máu. Qua khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

Theo lời kể của người nhà, từ 27 Tết đến nay, bệnh nhân uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau. Bệnh nhân thường xuyên ho ra máu, tím tái chân tay. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám gần nhà được kết luận bị viêm mũi dị ứng nên người nhà mua thuốc chống dị ứng và bổ não cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình hình vẫn không thuyên giảm nên được đưa vào nhập viện.

Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ phải làm xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện ngộ độc rượu. Trường hợp này, kết quả xét nghiệm cho thấy bị nhiễm độc nặng nhất là độc từ loại rượu thuốc hay dùng xoa bóp, dễ gây ra suy tim, tổn thương não, có thể tử vong. Thứ 2, bệnh nhân có thể ngộ độc rượu ngâm các loại lá gây chảy máu, suy thận.

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong dịp Tết vừa qua, có khoảng gần 30 trường hợp ngộ độc các loại, trong đó có một số trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với rượu thông thường tinh khiết không ngâm, người khỏe mạnh khi uống quá nhiều cũng có thể nguy kịch sức khỏe.

"Nhẹ thì người uống đau bụng nôn, xuất huyết tiêu hóa, nặng thì hôn mê, suy hô hấp tím tái. Nếu uống nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến xơ gan, viêm tụy… Người bệnh cũng rất dễ bị rối loạn kèm theo như xơ gan không bù trừ, rối loạn chuyển hóa, nhiều rối loạn khác...", bác sĩ Nguyên nói.

Đặc biệt, bác sĩ Nguyên cảnh báo hiện nay người dân đang lạm dụng các loại dược liệu, động vật để ngâm rượu.

"Mọi người cứ nghĩ ngâm các dược liệu hay động vật là rượu thuốc nhưng thực tế nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc. Việc chúng ta dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại cho loại rượu này, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng nề… Có nhiều người còn ngâm những loại có độc tính cao, thậm chí có cả lá ngón… chắc chắn sẽ gây ra tình trạng loạn nhịp tim, liệt, tím tái, có thể tử vong.

Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân", bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại là khoảng 10%. Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Sơn cho hay, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm.

Vì nếu sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng.

Việc dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể.

"Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông; với các con vật như bìm bịp, tắc kè, cần nướng chín trước khi ngâm rượu. Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn", bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Các chuyên gia này cho rằng, rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố. Đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Người dân tuyệt đối không được dùng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) không rõ nguồn gốc để ngâm.

Khi chăm sóc người uống rượu tại nhà, gia đình cần phải lưu ý, nếu người uống mất kiểm soát hành vi, không thể chủ động thực hiện những việc cá nhân nhẹ nhàng thì đã ngộ độc nhẹ. Khi đó, chúng ta cần phải ngăn chặn không cho người uống rượu điều khiển phương tiện giao thông, theo dõi kiểm soát chăm sóc sức khỏe, giữ ấm khi trời rét.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, lơ mơ, khò khè, gọi không nói được, chảy đờm dãi, khó thở, hôn mê, co giật, nôn nhiều phải đưa đến viện khẩn cấp để được cấp cứu kịp thời.