Dấu hiệu lừa đảo, trục lợi
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trong thời gian gần đây, Cục HKVN liên tiếp nhận được phản ánh của một số hành khách về việc có hãng hàng không nước ngoài quảng cáo, bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Về phía Cục HKVN, trong khoảng thời gian xảy ra dịch Covid-19 gần đây như phản ánh của hành khách, Cục không cấp phép cho hãng hàng không này để thực hiện chuyến bay như vậy.
Sau khi nắm bắt, phân tích thông tin, Cục nhanh chóng liên hệ ngay với hãng hàng không nước ngoài để xác minh, làm rõ. Hãng hàng không nước ngoài cũng lên tiếng khẳng định, xác nhận với Cục HKVN là hãng không hề có phương án thực hiện, triển khai các chuyến bay như quảng cáo trên.
Từ những dấu hiệu trên, Cục HKVN đánh giá, vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo để trục lợi đối với hành khách đi tàu bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ở một số nước đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Do đó, Cục HKVN đã đề nghị Cục An ninh kinh tế (A04 - Bộ Công an) xác minh, làm rõ thông tin nêu trên và có biện pháp để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây tổn thất cho những hành khách có nhu cầu về nước, cũng như hình ảnh của hãng hàng không.
Đồng thời, Cục HKVN cũng khuyến cáo công dân thường xuyên theo dõi, truy cập vào website chính thức của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Bộ Giao thông vận tải và Cục HKVN cũng như website chính thống của các hãng hàng không, nhằm cập nhật thông tin chính xác về việc hỗ trợ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19.
Cục HKVN thông tin lịch thực hiện chuyến bay (link lịch bay của Cục HKVN gửi kèm) của các hãng hàng không Việt Nam theo Kế hoạch dự kiến của Cục Lãnh sự để hỗ trợ công dân Việt Nam về nước giai đoạn từ 1-11 đến 31-12-2020. Các nội dung thời gian hạ, cất cánh sẽ tiếp tục được Cục HKVN cập nhật sau.
Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, một số đối tượng đã giả mạo là đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) để mời gọi người dân mua vé máy bay về nước tránh dịch qua email hoặc tin nhắn, khiến hãng phải đưa ra khuyến cáo người dân cần đặc biệt cảnh giác với những đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay về nước không rõ nguồn gốc.
Theo thông tin từ Vietnam Airlines, các đối tượng mời gọi này cung cấp các thông tin giả nhưng rất chi tiết để tạo độ tin cậy cho người nhận như đưa ra đầy đủ số hiệu chuyến bay, hành trình, mức giá, các bước chuyển khoản, xác nhận... Thậm chí, các đối tượng còn lồng ghép thông tin đánh vào tâm lý nôn nóng của người có nhu cầu như thông báo người nhận là người được chọn trong số hàng nghìn người đăng ký, cần nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng trước khi hết hạn mua vé...
Một số người dân đã bị mắc lừa trước những lời mời gọi này, tiến hành chuyển tiền, sau đó mới biết mình bị mắc lừa. Hãng lưu ý người dân không mua vé máy bay về nước từ những đối tượng không rõ danh tính hay các lời đề nghị không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho các tài khoản đứng tên cá nhân. Khi có nhu cầu về Việt Nam, công dân cần đăng ký với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng quyết định.
Công dân trong danh sách về nước sẽ nhận được thông báo từ một nguồn duy nhất là Đại sứ quán Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại. Các cơ quan này nhận thông tin về chuyến bay, giá vé, cách thức thanh toán… từ Vietnam Airlines để thông báo cho công dân bằng email chính thức. Các thông tin nếu do Vietnam Airlines trực tiếp gửi sẽ xuất phát từ địa chỉ email có đuôi @vietnamairlines.com.
Tối đa có 3.300 người về nước/tuần
Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 kể từ đầu năm tới nay. Bạn bè và dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là nhờ Chính phủ phản ứng kịp thời, người dân đoàn kết, ủng hộ, cũng như các cơ quan chức năng sớm đưa ra chiến lược xét nghiệm cho phép truy vết các ca bệnh.
Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng có ý kiến về việc tiếp nhận cách ly công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) trên các chuyến bay thương mại, thông báo cho Bộ Y tế để phối hợp cùng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải điều phối việc cách ly người nhập cảnh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả và tạo điều kiện cho hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú; kinh phí cách ly do người cách ly tự chi trả.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 2-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận, cho phép tiếp tục tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) về nước, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục HKVN làm việc với các hãng HKVN xây dựng phương án thực hiện các chuyến bay theo chỉ đạo. Các chuyến bay chỉ hạ cánh tại bốn cảng hàng không quốc tế gồm: Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và Cần Thơ.
Liên quan việc mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã có văn bản thông báo tới các địa phương nhanh chóng mở rộng, thiết lập khu cách ly thu phí đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh.
“Công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay này sẽ thực hiện cách ly tự trả phí tại khách sạn, cơ sở lưu trú dành cho người nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vào Việt Nam. Dự kiến, số lượng công dân nhập cảnh tối đa hằng tuần là 3.300 người, chia đều cho bốn cảng hàng không quốc tế trên", Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho hay.
Để bảo đảm năng lực cách ly trong nước, có đầy đủ thông tin thông báo đến các hãng hàng không và đủ điều kiện tổ chức được các chuyến bay đón công dân nói trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu UBND các địa phương Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ nhanh chóng mở rộng, thiết lập khu cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở lưu trú tại địa phương đầy đủ các thông tin như: tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cơ sở cách ly; số lượng người tiếp nhận tối đa tại cơ sở; chi phí cách ly tại khách sạn: bao gồm chi phí vận chuyển từ sân bay đến địa điểm cách ly, chi phí ăn nghỉ, xét nghiệm Covid-19 theo quy định,...
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các địa phương chủ trì, phối hợp doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tăng cường bố trí cơ sở cách ly thu phí, đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, bổ sung khả năng tiếp nhận trong nước, giảm tải cho các cơ sở cách ly của quân đội.