Cảnh báo chảy máu dạ dày ở người trẻ

NDO - Do lối sống, ăn uống, thời gian qua, có không ít bạn trẻ bị thủng dạ dày, chảy máu, viêm loét dạ dày đến khám, cấp cứu tại Bệnh viện E.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bệnh nhân 25 tuổi là nhân viên kỹ thuật, chưa lập gia đình. Bệnh nhân chia sẻ thường xuyên phải đi công tác và uống rượu bia nhiều. Đặc biệt, vào thời điểm lễ Tết vừa qua, bệnh nhân liên tục phải uống rượu bia, dù biết không tốt cho sức khoẻ.

PGS,TS, bác sĩ Đỗ Trường Sơn, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, sau nhiều ngày uống rượu bia bệnh nhân đi ngoài phân đen. Khi bị nôn ra máu bệnh nhân mới đến y tế tuyến cơ sở để khám. Tại y tế tuyến cơ sở bệnh nhân được chỉ định nội soi chẩn đoán chảy máu dạ dày. Tuy nhiên, quá trình sau đó bệnh nhân vẫn bị tái phát chảy máu dạ dày nên đã tới Bệnh viện E khám.

Tại Bệnh viện E, bệnh nhân có dấu vết của chảy máu chảy máu dạ dày và những vết loét nông chưa được điều trị triệt để. Sau khi, được xử lý vùng chảy máu bệnh nhân không còn đi ngoài phân đen, tiên lượng khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.

Bác sĩ Sơn cho biết, trường hợp bệnh nhân 25 tuổi trên đã được chỉ định kiểm tra toàn bộ cơ thể để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn gây chảy máu dạ dày. Rất may mắn bệnh nhân không có thêm bệnh lý khác.

Theo chuyên gia này, việc uống rượu bia nhiều, kèm áp lực trong công việc và cuộc sống, chế độ ăn kém khoa học khiến bệnh nhân bị viêm loét chảy máu dạ dày khi tuổi còn trẻ.

Nguyên nhân chảy máu dạ dày là viêm loét lành tính, chiếm tới 70% các ca bệnh. Viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài, lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc không tuân theo chỉ định.

Ngoài ra, một số bệnh lý như giảm tiểu cầu, xơ gan, thiếu hụt vitamin K, bệnh sốt xuất huyết, ung thư đường tiêu hoá cũng là nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng chảy máu dạ dày.

Chảy máu dạ dày thường có các dấu hiệu như: Đau nghiêm trọng vùng thượng vị; Thay đổi sắc tố da; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen. Một số triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng, tụt huyết áp, vã mồ hôi,… do thiếu máu. Khi xuất hiện các dấu hiệu trên mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị.

Hiện nay, người dân thường có thói quen dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Sơn cho hay, để tránh nguy cơ viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, các bác sĩ khuyên chúng ta cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá. Trong đó, việc tránh stress rất quan trọng.

Khi con người luôn ở trong trạng thái tâm lý căng thẳng, các hormone từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid HCl hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ (giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc). Từ đó, tạo điều kiện để acid HCl trong dịch vị dễ dàng tiếp xúc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.

Xuất huyết dạ dày là bệnh lý gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa đồng thời có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong giai đoạn đầu, bệnh không tạo nên nhiều biến đổi trong cơ thể. Thậm chí, lượng máu lúc này có thể rất nhỏ, chỉ có thể phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm y khoa (chẳng hạn như xét nghiệm máu ẩn trong phân). Tình trạng bệnh chỉ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, quan sát thấy phân sẫm màu hay máu trên giấy vệ sinh, bồn cầu khi đại tiện,…

Tuy nhiên, về lâu dài, xuất huyết dạ dày sẽ trở nên trầm trọng, lượng máu chảy ra nhiều và liên tục hơn. Lúc này, người bệnh sẽ thường xuyên bị hoa mắt, chóng mắt, lạnh tay chân, mạch đập yếu,… gây đe dọa đến tính mạng.

Thậm chí, hiện tượng xuất huyết ồ ạt từ đường tiêu hóa còn dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng hoặc công thức máu thấp. Do đó, việc theo dõi, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là thực sự cần thiết và quan trọng.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cũng nên đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc khi có bất thường ở đường tiêu hoá cần phải đi khám sớm vì những diễn biến cấp tính tại đường tiêu hoá như chảy máu dạ dày có thể diễn biến nhanh gây nguy hiểm cho tính mạng.

Một số hướng dẫn hữu ích để bảo vệ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh:

- Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều.

- Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch.

- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh.

- Hạn chế dùng thuốc giảm đau chống viêm không Steroid, nếu bắt buộc sử dụng, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Duy trì ăn uống sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ, một tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng, stress.

- Hình thành đồng hồ sinh học lý tưởng cho cơ thể, hạn chế tối đa việc thức khuya.