Saudi Arabia cũng quyết định ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Liban, động thái được cho là sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Liban vốn đang chìm trong khủng hoảng. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng cho biết sẽ tiếp tục cân nhắc thêm các biện pháp khác nhằm vào Beirut, song không giải thích cụ thể.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao với Saudi Arabia là thách thức mới nhất đối với nội các của Thủ tướng Liban Najib Mikati, vốn đã bị cuốn vào những rắc rối chính trị liên tiếp liên quan vụ nổ ở cảng Beirut. Rạn nứt có nguy cơ lan rộng ra nhiều quốc gia vùng Vịnh khi Bahrain cũng yêu cầu Đại sứ Liban rời đi ngay sau quyết định của Saudi Arabia.
Trong một cuộc điện thoại với Bộ trưởng Kordahi, Thủ tướng Mikati đã yêu cầu ông đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và có quyết định đúng đắn để khắc phục mối quan hệ giữa Saudi Arabia với Liban. Trước đó, Beirut cũng đã ra tuyên bố khẳng định những phát biểu của Bộ trưởng Kordahi không phản ánh quan điểm của Chính phủ Liban.
Trong một bài trả lời phỏng vấn truyền hình được phát hôm 27/10, Bộ trưởng Kordahi đã chỉ trích liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn, đồng thời cho rằng cuộc chiến kéo dài 7 năm qua ở Yemen đã đến lúc phải kết thúc.