Đây là cơ sở quan trọng giúp UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành các bước tiếp theo đúng quy định pháp luật nhằm đầu tư xây dựng cảng hàng không. Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại hai xã Gio Quang và Gio Mai của huyện Gio Linh.
Đầu tư xây dựng theo phương thức PPP
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17 (giai đoạn 2015-2020) đã xác định đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh trung bình của cả nước và đến năm 2030 thuộc tỉnh trung bình cao. Với quyết tâm chính trị rất lớn, Quảng Trị xác định 3 trụ cột chiến lược gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch - dịch vụ.
Để phát triển 3 trụ cột này cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng động bộ khai thác được những tiềm năng, lợi thế. Trong đó, hạ tầng về giao thông là quan trọng nhất. Vì vậy, việc xây dựng sân bay Quảng Trị là rất cần thiết nhằm hướng đến 4 chức năng chính, gồm vận chuyển hành khách; vận chuyển hàng hóa và logistics; dịch vụ thương mại; đô thị sân bay. Đặc biệt là bảo đảm quốc phòng - an ninh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng Cảng từ năm 2021-2024 theo hình thức PPP, trong đó thời gian thực hiện đầu tư xây dựng 29 tháng. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn 46 năm 6 tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giai đoạn năm 2020 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/Đ-TTg ngày 23/2/2018 và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2021; cảng hàng không Quảng Trị là một trong những cảng hàng không quan trọng, được đánh giá đứng thứ 24/28 cảng hàng không đã được đưa vào quy hoạch.
Ngoài việc quy hoạch đất để xây dựng cảng hàng không với tổng diện tích 316,5 ha, tỉnh Quảng Trị đã dự trữ thêm phần đất mở rộng để sau này nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E; mở rộng quỹ đất chung quanh sân với quy mô 1.000 ha để xây dựng đô thị sân bay, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Phục vụ dự án cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh đã bố trí 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường nối từ sân bay đến quốc lộ 1 với chiều dài 4,3km; bố trí 233 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết HĐND tỉnh để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa cao
Khác với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Trị có vị trí địa chiến lược đặc biệt, là mắt xích quan trọng của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, là cầu nối bắc nam và cửa ngõ của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây qua Lào, Thái Lan và Myanmar. Lịch sử dân tộc luôn chọn Quảng Trị với những dấu ấn đặc biệt để hôm nay tạo ra những điểm đến, di tích độc đáo. Đó là thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn trong hành trình mở mang bờ cõi; là nơi vua Hàm Nghi khởi xướng phong trào Cần Vương; nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Hiệp định Geneva 1954 chia đôi đất nước tại Vỹ tuyến 17 - sông Bến Hải; sông Thạch Hãn với 81 ngày đêm vào năm 1972 trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ; sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Thánh địa La Vang, những điểm đến được nhiều du khách quan tâm đặc biệt.
Theo ông Lê Đức Tiến, đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân từ mọi miền muốn về lại chiến trường xưa tri ân các thế hệ cha anh hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc đã hình thành nên xu hướng du lịch về nguồn trước khi nghỉ dưỡng, đây là xu hướng chủ đạo trong những năm tới, nên dự báo lượng khách sẽ tăng cao khi Quảng Trị xây dựng hoàn thành sân bay.
Với hàng hóa, tỉnh Quảng Trị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn liền quốc lộ 9 được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục Hành lang kinh tế Bắc - Nam. Trên hành lang này, năm 2020, hàng hoá quá cảnh qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đạt mốc trên 10 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam-Lào lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,213 triệu tấn với giá trị khoảng 240 triệu USD. Theo đó tốc độ tăng trưởng đạt tỷ lệ hơn 61% về khối lượng và hơn 25% về giá trị hàng hoá so năm 2019. Ngoài ra lượng hàng hoá qua cảng Cửa Việt năm 2020 đạt 1,246 triệu tấn, tăng hơn 33% so cùng kỳ năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2021 đạt tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2020.
Các phân tích về xu hướng tăng trưởng vận tải hàng không trên thế giới và Việt Nam và nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Trị có thể dự báo vận chuyển hành khách và hàng hóa của Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn từ khi sân bay hoàn thành đến năm 2050 tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 3%; từ 2050 - 2070 khoảng 5%.
Xây dựng cảng hàng không Quảng Trị là cần thiết
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực và kêu gọi đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm kinh tế lớn. Đó là triển khai đầu tư các chương trình, dự án động lực, then chốt tại Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế đặc biệt thương mại Lao Bảo, Khu cửa khẩu quốc tế La Lay, Khu kinh tế động lực ven biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Trong các cực phát triển này thì đầu tư xây dựng sân bay là hướng đi mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17 đã xác định. Với dư địa đất đai đang rộng lớn, giải phóng mặt bằng không nhiều sẽ là động lực cho các nhà đầu tư đến với Quảng Trị.
Hiện nay, tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang triển khai các dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Quảng Trị của Công ty Gazprom International (Liên bang Nga); Dự án tổ hợp khí, sản phẩm công nghiệp khí của Tập đoàn BBGroup; Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP8); Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú... Đồng thời, tỉnh đã làm việc với Công ty Năng lượng Eni Việt Nam thuộc Tập đoàn Eni (Italia) để đưa khí từ các mỏ khí tự nhiên gần bờ biển vào bờ nhằm hình thành sản phẩm hàng hoá từ công nghiệp chế biến khí.
Theo ông Võ Văn Hưng, cùng Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vừa được cấp chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư giai đoạn I có công suất 1.500 MWcho tổ hợp các nhà đầu tư Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang trong quá trình hoàn thành đầu tư xây dựng các dự án lớn và rất nhiều các dự án đang được chuẩn bị đầu tư biến Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng và sản xuất của vùng và cả nước. Vì thế nhu cầu, vận tải hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng đột biến trong những năm tới. Việc xây dựng cảng hàng không Quảng Trị là cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Quy hoạch xây dựng sân bay bám sát dự báo phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và lợi thế phát triển của địa phương. Nếu chỉ xét về mặt địa lý, khoảng cách gần giữa hai sân bay mà không quy hoạch hoặc đầu tư sân bay thì cũng không hợp lý. Chẳng hạn, Hải Phòng và Hà Nội; Đà Nẵng và Thừa thiên Huế mỗi nơi cách nhau khoảng 100 km vẫn xây dựng các sân bay quốc tế. Nhìn xa hơn, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc có mật độ phát triển sân bay dày hơn Việt Nam rất nhiều, mỗi nước có đến gần 80 sân bay. Philippines, Thái Lan cũng có mật độ sân bay nhiều hơn Việt Nam.Vùng đông bắc Thái Lan có nhiều sân bay, tạo điều kiện cho du khách đến du lịch gấp nhiều lần người bản địa, nhờ sân bay mà khách du lịch, nhà đầu tư đến nhiều nên người dân được lợi từ quyết sách sớm, phù hợp.
Cùng với cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh thúc đẩy xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, logistics đồng bộ, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, đường giao thông liên vùng, tạo điều kiện đẩy mạnh kinh tế tư nhân… để Quảng Trị thay đổi ngày càng tốt hơn.