Trong buổi tiếp công dân vào sáng 11/10 tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hòa Tân (TP Cà Mau), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, đã chỉ đạo kiểm điểm các đơn vị chức năng có liên quan của TP Cà Mau, vì thực hiện chưa hết trách nhiệm khiến vụ việc thi hành án về đất đai ở xã Hòa Tân kéo dài hơn 15 năm, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngang nhiên chiếm giữ tài sản
Theo hồ sơ vụ việc tại buổi tiếp công dân nêu trên, vào năm 1993, vợ chồng ông Trương Văn Sáng (sinh năm 1940) và bà Phạm Thị Tươi (sinh năm 1950), ngụ ấp Hòa Đông, xã Hòa Tân cầm cố, sau đó sang nhượng thửa đất nông nghiệp cho ông Châu Văn Dũng (sinh năm 1972), ngụ cùng ấp). Giá trị 5 công đất bán cho ông Dũng là 3 chỉ vàng 24k/công. Hai bên sau đó tiến hành làm giấy chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị vướng do sổ chủ quyền của ông Sáng còn thế chấp tại ngân hàng. Ông Sáng hứa trả nợ ngân hàng xong sẽ chuyển quyền sử dụng đất lại cho ông Dũng nhưng sau đó ông Sáng không thực hiện.
Mãi đến năm 2000, ông Sáng tìm đến gặp ông Dũng đặt vấn đề xin chuộc lại đất và được ông Dũng đồng ý nhưng giá trị chuộc đất phải được tính vào thời điểm chuộc. Ông Sáng không đồng ý điều kiện trên, nhưng ngang nhiên vào canh tác trên phần đất ông Dũng đã mua. Sau khi hòa giải không thành ở cấp xã, hai bên kéo nhau ra tòa. Năm 2003, Tòa án nhân dân TP Cà Mau xét xử, buộc vợ chồng ông Sáng trả lại cho ông Dũng số tiền 85,6 triệu đồng, giá trị tương đương mười lượng vàng vào thời điểm tuyên án. Ông Sáng sau đó kháng cáo và Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm vào tháng 4/2004.
Thực hiện bản án của tòa, vào năm 2007, Cơ quan Thi hành án Dân sự TP Cà Mau kê biên đấu giá, phát mãi phần đất mà ông Sáng chiếm dụng để thi hành án, trả tiền cho ông Dũng. Ông Dũng trúng đấu giá tài sản nêu trên với số tiền hơn 133 triệu đồng (làm tròn số). Tuy nhiên, ông Sáng sau đó không tự nguyện giao đất nên Cơ quan thi hành án TP Cà Mau cưỡng chế để giao đất cho ông Dũng. Sau khi thi hành án xong, ông Sáng tiếp tục tái chiếm và cất nhà, canh tác trên phần đất thuộc tài sản trúng đấu giá của ông Dũng cho đến tận ngày nay.
Trình bày bức xúc tại buổi gặp mặt Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, ông Châu Văn Dũng cho biết: “Tôi bỏ tiền ra mua đất để canh tác mà hàng chục năm nay bị người ta chiếm giữ, rất mong được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi công dân”.
Theo ông Lương Tùng Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Tân, cho biết, vụ việc tái chiếm của ông Sáng sau đó bị địa phương đã lập biên bản về hành vi lấn chiếm đất đai và xử phạt vi phạm hành chính nhưng ông Sáng không chấp hành. Đến tháng 10/2008, Công an xã báo cáo, chuyển vụ việc sang Công an TP Cà Mau vì thấy có dấu hiệu tội phạm, nhưng sự vụ kéo dài và “chìm xuồng” cho đến nay.
Không để pháp luật bị xem thường
Khu đất của gia đình ông Đặng Hoàng Phú (huyện Trần Văn Thời) cho thuê rồi bị gia đình ông Chiến chiếm dụng hơn 20 năm nay nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm. |
Sau khi nghe Công an và Viện Kiểm sát nhân dân TP Cà Mau thông tin về quá trình tiếp cận và giải quyết vụ việc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tỏ ra không hài lòng, cho rằng có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, thiếu sâu sát.
“Ngay từ thời điểm 2008 sau khi thi hành án đất đai và ông Sáng tái chiếm đất ông Dũng, Công an TP Cà Mau tiếp nhận và xử lý vụ việc chưa đúng trách nhiệm khi nhận thông tin báo cáo từ xã Hòa Tân; không đeo bám, có dấu hiệu buông bỏ” - Bí thư Tỉnh ủy nhận định, đồng thời khẳng định việc chiếm giữ tài sản công dân có dấu hiệu tội phạm rõ ràng nhưng nhiều năm qua không điều tra, khởi tố là thiếu trách nhiệm.
Tại buổi tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thay mặt các cơ quan có thẩm quyền của TP Cà Mau nhận thiếu sót đối với gia đình ông Dũng – người bị chiếm giữ tài sản, đồng thời biểu dương cách xử lý của chính quyền xã Hòa Tân khi luôn có mặt kịp thời, kịp lúc để lập biên bản hiện trường vụ việc để làm căn cứ về sau.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, vụ việc của ông Dũng không có gì phức tạp nhưng các cơ quan chức năng TP Cà Mau đùn đẩy công việc, chưa thuộc hết bài, làm chưa tròn vai và chưa đến nơi, đến chốn nên vụ việc kéo dài đến tận ngày nay. Để xử lý dứt điểm vụ việc trên, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau yêu cầu Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP Cà Mau: Ngay sau buổi tiếp công dân phải chỉ đạo Công an và Viện Kiểm sát nhân dân TP Cà Mau khẩn trương rà soát hồ sơ vụ việc và xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Việc rà soát, cách thức, phương án… xử lý phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy vào cuối tuần sau.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng đồng thời yêu cầu thường trực Thành ủy Cà Mau chỉ đạo Đảng ủy Công an thành phố, chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP Cà Mau tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ từ giai đoạn được xã Hòa Tân báo cáo vụ việc lên (từ năm 2008), gắn trách nhiệm cán bộ, cá nhân có liên quan. Kết quả kiểm điểm báo cáo Bí thư Tỉnh ủy trong tháng 10/2022.
Theo người đứng đầu cấp ủy tỉnh Cà Mau, vẫn còn một số vụ việc tương tự ở xã Hòa Tân xảy ra ở địa phương khác mà trước nay chưa giải quyết xong, đã thi hành án rồi nhưng người bị thi hành án vẫn ngang nhiên chiếm lại tài sản của người được thi hành án.
Điển hình là phản ảnh của Báo Nhân dân Điện tử về vụ “Cần xử lý dứt điểm vụ chiếm dụng đất trái phép ở miền biển Cà Mau”, khởi đăng vào ngày 19/4/2021. Theo bản án sở thẩm và phúc thẩm mà tòa ở Cà Mau đã tuyên, ông Dương Hùng Chiến (ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sang nhượng cho ông Đặng Hoàng Phú (khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời) thửa đất nuôi trồng thủy sản diện tích 20.000 m2, với giá 36 chỉ vàng 24K. Sang chuyển nhượng, ông Phú được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, ông Chiến và gia đình xin thuê lại (hợp đồng thuê từng năm) phần đất của ông Phú để canh tác nhưng gia đình ông Chiến không trả tiền thuê. Ông Phú sau đó ngưng cho thuê, đòi lại đất nhưng gia đình ông Chiến không trả.
Hai bên sau đó kéo nhau ra tòa và phần thắng thuộc về ông Phú, buộc gia đình ông Chiến trả lại đất và số vàng thuê đất còn nợ cho ông Phú. Việc thi hành án được tiến hành vào đầu năm 2006 nhưng khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường, gia đình ông chiến đã tái chiếm tài sản của ông Phú, thậm chí đuổi đánh ông cùng người thân trong gia đình, cũng như có lời lẽ xúc phạm lực lượng thực thi công vụ. Toàn bộ sự việc đuổi đánh nêu trên được Công an thị trấn Sông Đốc lập biên bản vào chiều ngày 25/1/2007.
Từ thời điểm đó đến nay, gia đình ông Phú đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền huyện Trần Văn Thời nhưng các đơn vị có liên quan đùn đẩy trách nhiệm và đổ thừa nhiều lý do khác nhau. Cũng vì lẽ đó mà hơn 20 năm trời kể từ ngày mua được thửa đất canh tác, ông Phú vẫn không sử dụng được thửa đất đã mua, còn người chiếm giữ tài sản trái pháp luật thì chưa bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…?
Trước các thực tế nhan nhản còn tồn tại trong thi hành án như hai trường hợp vừa nêu, nhân buổi tiếp công dân tại xã Hòa Tân, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau giao Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc ngay với Cục Thi hành án tỉnh rà soát lại các vụ việc sau thi hành án, tham mưu Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm từng vụ việc, không để vụ việc sau thi hành án mà người được pháp luật bảo vệ vẫn chưa tiếp nhận được quyền lợi.
“Những vụ nào cơ quan thi hành án đã làm hết trách nhiệm rồi thì các cơ quan khác phải làm hết chức năng, nhiệm vụ theo trình tự được giao nhằm thể hiện sự nghiêm minh và công bằng trong thực thi pháp luật, kiên quyết không để tái diễn việc tái chiếm sau khi đã thi hành án” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau quả quyết.