Trong xe, các tài xế người thì gác chân lên cửa, có người đang soi gương rất thong thả. Do lưu lượng xe qua đây khá đông cho nên các phương tiện phải rất vất vả mới lách qua được đoạn đường này. Cạnh mấy chiếc ta-xi đang đậu có một biển chỉ dẫn mầu vàng dành cho các hãng ta-xi đậu chờ đón khách. Thì ra là những chiếc ta-xi đó được phép đậu dưới lòng đường để đón khách theo chương trình thí điểm thực hiện các điểm đón khách mà ngành giao thông thành phố đang triển khai thí điểm tại quận 1 trong nỗ lực giảm ùn tắc giao thông do các phương tiện vận tải công cộng nói riêng và các phương tiện khác gây nên. Ðể đón ta-xi, hành khách thao tác bấm gọi trên trụ đón ta-xi, đèn hiệu trên trụ sẽ bật sáng. Xe ta-xi chạy trên đường khi nhìn thấy đèn hiệu sáng lên sẽ dừng trước trạm để đón khách.
Việc thực hiện thí điểm các điểm đón, trả khách với loại hình ta-xi cho thấy những bất cập nhất định. Trước hết là vị trí đặt các điểm đón. Năm điểm đón thí điểm do ngành giao thông lựa chọn đều là các điểm thường xuyên có đông người tụ tập, qua lại như trước cổng bệnh viện, trường học. Những tưởng đó là điểm hợp lý nhưng nếu quan sát kỹ, việc cho phép các ta-xi dừng, đón trả khách vô hình trung lại gây nên tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là giờ cao điểm. Như tình trạng ùn tắc trước cổng Bệnh viện Nhi Ðồng 2 có thể là một dẫn chứng cụ thể. Nếu ở các điểm thường xuyên ùn tắc, các phương tiện dừng, đỗ, đón trả khách được tính bằng phút chứ đừng nói là đậu xe thong thả như tại các điểm đón đang thí điểm. Thêm nữa, với sự xuất hiện của rất nhiều phương tiện vận tải công cộng ứng dụng công nghệ như hiện nay, hành khách chỉ cần mở máy là được phục vụ chứ chẳng cần phải thực hiện nhiều công đoạn như gọi ta-xi truyền thống. Thiết nghĩ, sẽ chẳng ai muốn đi bộ vài trăm mét để đến điểm đón ta-xi, nhất là giữa trưa nắng gắt, hoặc mưa lớn...
Cũng là loại hình vận tải công cộng nhưng có thể nói ta-xi hoạt động rất đặc thù so với các phương tiện công cộng khác như tàu hỏa, máy bay,…. Việc "gò" các phương tiện này vào một địa điểm để giảm đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc xem ra dễ gây tác dụng ngược. Một phần, hiện nay số lượng ta-xi của thành phố, nhất là khu vực trung tâm là rất lớn. Ðó là chưa kể ta-xi công nghệ đang tăng nhanh về số lượng. Thực tế cho thấy, việc hành khách, một trong những đối tượng phục vụ mà mô hình này hướng đến không mặn mà với việc đón khách tại đây cho thấy những bất cập của mô hình này. Trong khi đó, việc "cấp phép" đón, trả khách tại các điểm cố định, nhiều lúc bị các tài xế "tận dụng" thành bến bãi gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Bài toán về giảm tải phương tiện hoạt động khu vực trung tâm được ngành giao thông TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều năm nay. Ðó là nỗ lực đáng ghi nhận, song cần có sự khảo sát, tính toán kỹ càng, tiện lợi cho người dân để góp phần giải tỏa ách tắc giao thông đô thị.