Cần xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng

Theo thống kê của các cơ quan chức năng liên quan, toàn thành phố hiện có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, có nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí được các doanh nghiệp tài trợ để xây dựng và đưa vào phục vụ người dân trong những năm gần đây.
0:00 / 0:00
0:00

Những nhà vệ sinh công cộng do doanh nghiệp tài trợ được xây lắp ở một số khu vực trung tâm thành phố và các công viên lớn như: Gia Định, Lê Văn Tám, Tao Đàn, 23/9…

Những nhà vệ sinh này có tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao, có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, không gian rộng rãi và thoáng mát, có nhân viên trực để dọn dẹp hằng ngày… Vì vậy, trong thời gian qua, người dân thành phố đã “thoải mái”, “dễ chịu” hơn khi vui chơi, giải trí, tập thể thao… ở các khu vực trung tâm thành phố và các công viên lớn.

Tuy nhiên, số lượng nhà vệ sinh công cộng vẫn còn rất ít so với nhu cầu thực tế và phân bố cũng không đồng đều, thiếu hợp lý. Chẳng hạn, tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng, công viên 30/4 (Quận 1), nơi thường xuyên tập trung đông người dân và khách du lịch đến để vui chơi, giải trí…, lại vắng bóng nhà vệ sinh công cộng. Muốn đi vệ sinh thì người dân và khách du lịch phải chịu khó đi ra khỏi công viên, đến các khu vực hoặc điểm kinh doanh có nhà vệ sinh ở lân cận.

Không những vậy, nhà vệ sinh công cộng cũng khó tìm thấy tại nhiều con đường lớn trong khu vực trung tâm và nội thành như: Cộng Hòa, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ…

Tình trạng không hoặc khó tìm ra nhà vệ sinh công cộng diễn ra phổ biến ở các quận, huyện xa khu vực trung tâm, vùng ngoại thành và các cửa ngõ ra vào thành phố, như ở các tuyến đường: Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22, quốc lộ 13, Nguyễn Văn Linh…

Cùng với đó, tại các bến xe lớn và trọng điểm của thành phố, số lượng nhà vệ sinh công cộng vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của hàng nghìn hành khách ra vào bến xe hằng ngày.

Bên cạnh đó, ở một số khu vực, không ít nhà vệ sinh công cộng đã xuống cấp và lạc hậu, dẫn đến chất lượng phục vụ kém nhưng vẫn chưa được khắc phục kịp thời. Do vậy, hiện tượng người đi đường dừng xe máy và đi tiểu ngay bên lề đường, bụi cây, gầm cầu… không hiếm gặp tại nhiều nơi ở thành phố.

Rõ ràng, việc thiếu nhà vệ sinh công cộng sẽ gây ra nhiều sự bất tiện, không hay đối với người dân và du khách; từ đó, gây bất lợi đối với môi trường sống, kinh doanh và hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, khu vực trung tâm thành phố (với các điểm tham quan, du lịch, giải trí…) đón bình quân khoảng 2.000 lượt khách mỗi ngày trong những ngày đầu tuần và khoảng 4.000 đến 6.000 lượt khách mỗi ngày vào dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, văn hóa… ở thành phố ngày càng khởi sắc, nhất là lĩnh vực du lịch đang được thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển, việc có được mạng lưới nhà vệ sinh công cộng hiện đại và rộng khắp là yêu cầu cấp thiết.

Trước mắt, thành phố cần sớm bố trí ngân sách cho các quận, huyện, đơn vị liên quan xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng; đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh xây dựng, khai thác nhà vệ sinh công cộng, nhất là các điểm bán xăng, dầu, quán cà-phê…

Thành phố cũng cần có chính sách xã hội hóa việc xây dựng và khai thác nhà vệ sinh công cộng hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước, làm sao để doanh nghiệp thấy đây cũng là một hình thức thiện nguyện, vừa đóng góp cho cộng đồng, vừa có thêm cơ hội kinh doanh mới. Về lâu dài, thành phố cần đưa hạng mục nhà vệ sinh công cộng vào các bản quy hoạch kinh tế-xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng…