Cần xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài

NDO - Thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao.

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, chiều 14/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

Phân cấp về thẩm quyền quyết định chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang nêu rõ, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số.

Việc xây dựng luật còn nhằm tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Cần xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài ảnh 1

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu. (Ảnh: DUY LINH)

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, Luật này quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều, trong đó có nội dung quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Cụ thể, Điều 25 quy định hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và chấp thuận. Đối với dữ liệu cá nhân thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi quốc gia.

Cần xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài ảnh 2

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện xác định, đánh giá tác động và quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc thẩm quyển Bộ Quốc phòng. Chủ quản dữ liệu quyết định việc chuyển giao dữ liệu quan trọng sau khi đã đạt đánh giá tác động.

Quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu

Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, có ý kiến cho rằng, đây là nội dung mới so với các chính sách đề nghị xây dựng luật nhưng tờ trình chưa làm rõ sự cần thiết của quy định này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý.

Việc quy định chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần được cân nhắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam.

Theo đó, cần xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý.

Cần xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Dự thảo cũng quy định xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, lưu trữ dữ liệu được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và từ các nguồn khác để xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho các cơ quan, tổ chức khai thác, sử dụng, tổng hợp, phân tích, đánh giá phục vụ hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia; khi Trung tâm này được triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Có ý kiến nhất trí về việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu để xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị thuộc Chính phủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào sáng 21/10 tới.