Ngày 10/10, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2024 với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”. Đây là năm thứ 22 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, chung tay cùng ngành mắt chăm sóc, bảo vệ đôi mắt, đặc biệt là các bệnh mắt thường gặp ở trẻ em.
Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt trung ương, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này). 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, nhưng 80% số người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ ...
Nhờ sự phát triển công nghệ nhãn khoa hiện đại giúp cho việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt ngày càng hiệu quả hơn, cũng như cho thấy các bệnh lý về mắt ngày càng đa dạng, phức tạp đặc biệt các bệnh lý mắt ở trẻ em: Chấn thương mắt ở trẻ em, tật khúc xạ, nhược thị, các bệnh lý bẩm sinh: U võng mạc, lác mắt, sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, võng mạc trẻ sinh non…
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.
Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ thường xuyên. |
Lứa tuổi học sinh rất dễ bị một số tật khúc xạ như: Cận thị, viễn thị, loạn thị… Theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội (năm 2000) và tại TP Hồ Chí Minh (năm 2023) cho thấy: Tại Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm khoảng 8% và loạn thị là 5%. Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%...
Tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em khó hiểu bài, kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh “mắt lười” gây suy giảm thị lực, khó điều trị. Nguyên nhân phức tạp, điều trị đa dạng. Tuy nhiên, khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ lại là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù loà gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí....
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung “tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù quyền được nhìn thấy như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”.
Chiến lược đã đưa ra các yêu cầu cụ thể: Kiểm soát nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em đặc biệt chú ý bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, tật khúc xạ, bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP), thiếu vitamin A tiền lâm sàng… Củng cố, hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, phụ nữ,người cao tuổi, người khuyết tật).