Cẩn trọng với trái cây nhập khẩu

Những năm gần đây, trái cây nhập khẩu ngày càng được bày bán khá nhiều, không chỉ ở siêu thị mà cả các xe trái cây di động; trang bán hàng online cũng tràn ngập hàng nhập ngoại. Điều đáng nói là, bên cạnh trái cây chính hiệu lại xuất hiện nhiều loại trái cây Trung Quốc được “lên đời” thành hàng Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Thái-lan… nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại Siêu thị Co.op Mart.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại Siêu thị Co.op Mart.

Tại khu chợ dân sinh (quận 1) có khá nhiều xe đẩy bán trái cây ngoại nhập thu hút đông người mua. Người bán hàng luôn miệng quảng cáo: “Trái cây nhập khẩu chính gốc, mua ngay kẻo hết”. Quan sát, chúng tôi thấy tất cả đều có tem nhãn, có mã vạch đàng hoàng từ táo, lựu, cam… giá từ 65.000 đồng đến 95.000 đồng/kg (tùy loại). Người bán hàng khẳng định chắc nịch: “Đây là hàng của công ty nhập khẩu, chỉ cung cấp cho các siêu thị. Do lần này nhập với số lượng lớn cho nên mới dư đưa ra ngoài thị trường. Muốn mua được phải có người quen giới thiệu. Hàng này chất lượng như trong siêu thị nhưng giá rẻ hơn vì không tốn máy làm mát, chi phí quầy kệ”. Tuy luôn miệng rao “trái cây nhập ngoại chính gốc lâu lâu mới có” nhưng theo nhiều bà nội trợ, ngày nào các xe hàng này cũng đầy ắp các loại trái cây.

Ở các trang bán nông sản online, hình ảnh trái cây nhập ngoại đẹp mắt được giới thiệu tràn lan. Chủ trang bán hàng còn trưng cả tem nhãn có hình trái táo kèm theo dòng chữ HACCP, GlobalGAP… Khi có người nghi ngờ tem nhãn lạ, mới thấy lần đầu và trong siêu thị không có loại tem này, người bán hàng vội phân trần: “Tem này được dán ngay tại nơi thu hoạch cho nên chị cứ yên tâm. Em có người quen ở nước ngoài nên trái cây cứ đúng vụ là họ lại đóng thùng gửi về. Chị xem, những tiêu chuẩn trên trái là theo ở bên đó, chứ nước mình chỉ có VietGAP là cao lắm rồi”.

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Như Ý Đặng Thị Thanh Tuyền bày tỏ: “Do tâm lý muốn dùng sản phẩm sạch, nhiều khách hàng chọn hàng nhập ngoại và chấp nhận giá cao. Tuy nhiên, trái cây thực chất từ Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… nhập về không nhiều mà phải theo mùa vụ. Khi về đến Việt Nam đều đã được các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn đặt hết từ trước. Đây là lý do khiến không ít tiểu thương làm nhái, làm giả nhãn mác gắn vào trái cây các nước khác, phần lớn là của Trung Quốc, để nâng giá bán, thu lợi nhiều”.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn tới sự nhập nhằng về chất lượng thật - giả này, là do hầu hết các loại hoa quả nhập khẩu trên thị trường đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hầu hết, các loại hoa quả được bày bán hiện nay đều mập mờ về chất lượng. Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức Nguyễn Thị Thanh Hà xác nhận, hằng đêm, số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm sản lượng lớn trái cây ngoại nhập tại chợ. Tuy nhiên, chợ có các khu bán sản phẩm rõ ràng. Đối với tem nhãn thì Ban quản lý chỉ kiểm tra tại chợ đúng xuất xứ, còn ra khỏi chợ, tiểu thương tự in tem rồi dán vào thì chợ không quản lý được.

“Căn cứ Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, những hàng hóa là thực phẩm tươi như thủy sản, rau quả khi đóng trong bao bì phải ghi nhãn mác hàng hóa. Tuy nhiên, Nghị định lại không bắt buộc phải ghi nhãn đối với hàng hóa là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Lợi dụng điểm này, người kinh doanh tự gắn lên trái cây với các tem nhãn lạ như OK, Gala, Two-cape… nhưng đó chỉ để trang trí cho đẹp mắt chứ không phải là tem nhãn” - Trưởng Phòng quản lý an toàn thực phẩm Chi cục bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ Thoa nói.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Khoa học công nghệ Vina CHG Nguyễn Viết Hồng cho rằng: “Tem nhãn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là công bố những thông tin về sản phẩm đến người dùng, không có chức năng chống giả về mặt pháp lý. Hiện vẫn chưa có quy định nào quản lý cụ thể về việc in ấn tem nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm, có thể là doanh nghiệp tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Vì vậy, căn cứ vào mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm mà còn cần kết nối tem nhãn, mã vạch đó với những công nghệ bảo mật tiên tiến khác, nhất là tem chống hàng giả”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, Chi cục chỉ kiểm tra chợ đầu mối, còn ở các chợ lẻ, điểm kinh doanh tự phát rất ít kiểm tra. Hơn nữa, trái cây là mặt hàng tiêu dùng thông thường, không nằm trong danh sách những mặt hàng trọng tâm kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường. Dẫu vậy, Chi cục vẫn thường xuyên kiểm tra, xử phạt và nhắc nhở người kinh doanh niêm yết hàng hóa đúng nguồn gốc, xuất xứ. Một khó khăn hiện nay của Chi cục là do lực lượng cán bộ quản lý thị trường còn mỏng, trong khi số lượng các mặt hàng phải kiểm tra nhiều, cho nên công tác kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo vệ thương hiệu của mình, các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện cho người tiêu dùng phân biệt. Người tiêu dùng cũng nên chọn mua tại các điểm kinh doanh uy tín, phải quan sát kỹ tem trước khi mua, hạn chế tiêu thụ các loại trái cây trái mùa vụ, các loại trái cây đẹp mã được giới thiệu sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ.